Xuất khẩu lao động 'chìa khóa' giảm nghèo ở xã vùng sâu Lâm Đồng
Những năm gần đây, xã Quảng Phú phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đây được xem là 'chìa khóa' quan trọng giúp nhiều hộ nghèo vươn lên, cải thiện cuộc sống.
Đổi đời từ xuất khẩu lao động
Cuộc sống của anh Y Thiệp BJôk (SN 1998), dân tộc M’nông, xã Quảng Phú đã thực sự thay đổi kể từ năm 2023, khi được hỗ trợ tham gia chương trình XKLĐ theo chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Từng là thợ hồ với công việc bấp bênh, giờ đây, anh Y Thiệp BJôk có công việc ổn định tại một công ty xây dựng ở Nhật Bản với thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.
Đều đặn hàng tháng, anh Y Thiệp BJôk gửi tiền về phụ giúp gia đình 10 triệu đồng. Nhờ khoản tiền này, bố mẹ anh đã sửa sang lại ngôi nhà cũ, đầu tư chăn nuôi, sản xuất. “Giờ đi Nhật có thu nhập ổn định, tôi mừng lắm vì đỡ đần được cho bố mẹ. Hết hợp đồng đầu năm 2025, tôi muốn quay lại Nhật để tiếp tục làm việc”, anh Y Thiệp BJôk chia sẻ.

Kết thúc một ngày làm việc trên công trường, anh Y Thiệp BJôk trở về nhà trọ ở Nhật Bản cùng bạn bè chuẩn bị bữa cơm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Năm 2019, anh Y Thông (SN 1996), dân tộc M’nông, xã Quảng Phú, mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP để đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng, trong 5 năm làm việc tại Seoul, anh Y Thông đã gửi tiền về xây dựng nhà cửa, lo học phí đại học cho hai em nhỏ. Dù mong muốn ở lại làm việc để nâng cao thu nhập, anh quyết định về nước để chăm sóc cha mẹ già yếu. “Nhờ chính sách vay vốn của Nhà nước, tôi mới có điều kiện ra nước ngoài, đổi đời cho gia đình mình”, anh Y Thông cho biết.

Nhà của anh Y Thiệp BJôk được sửa chữa từ số tiền em gửi về trong quá trình làm việc tại Nhật Bản.

Anh Y Thông (thứ 2, từ trái qua) kể lại hành trình đổi đời nơi đất khách.
Đòn bẩy giảm nghèo bền vững
Xác định XKLĐ là giải pháp quan trọng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, xã Quảng Phú đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ người lao động. Nhờ đó, công tác XKLĐ trên địa bàn ngày càng phát huy hiệu quả.

Nhiều bậc phụ huynh ở xã Quảng Phú, tỉnh Lâm Đồng không giấu được niềm vui khi con em mình có công việc ổn định ở nước ngoài.
Theo UBND xã Quảng Phú, phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có thu nhập ổn định, cao hơn so với lao động trong nước. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, lao động tại Đài Loan có thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/tháng; tại Nhật Bản, Hàn Quốc từ 30 - 60 triệu đồng/tháng. Không chỉ tích lũy về kinh tế, người lao động còn học hỏi được kỹ năng nghề, tác phong làm việc công nghiệp.

Nhiều gia đình ở xã Quảng Phú đã thoát nghèo nhờ có con em đi lao động ở nước ngoài
Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động tích lũy cho bản thân những kinh nghiệm, thay đổi tác phong làm việc, lao động, trình độ quản lý. Người lao động sau khi trở về địa phương đã đầu tư mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác XKLĐ vẫn gặp không ít khó khăn, do lao động chủ yếu là người DTTS, chưa qua đào tạo nghề, thiếu kiến thức về sản xuất công nghiệp. Việc tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa gặp trở ngại do giao thông khó khăn, nhận thức người dân còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ, xã Quảng Phú tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lợi ích và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các phòng, ban được giao nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên, đoàn viên, người lao động hiểu rõ mục tiêu của XKLĐ – không chỉ là nâng cao thu nhập mà còn là cơ hội tiếp cận kỹ thuật, công nghệ, rèn luyện tính kỷ luật và kỹ năng lao động, tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm việc làm sau khi kết thúc hợp đồng về nước.