COP29: 300 tỉ USD mỗi năm cho các nước nghèo
COP29 đạt thỏa thuận nâng mục tiêu tài chính khí hậu lên mức 300 tỉ USD, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại Azerbaijan ngày 24-11, các nước phát triển đã nhất trí nâng mục tiêu tài chính khí hậu hàng năm thành 300 tỉ USD mỗi năm vào năm 2035 để giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Đây được coi là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đạt được sau nhiều ngày tranh luận căng thẳng giữa các nhà đàm phán. Thỏa thuận tài chính khí hậu chính thức được thông qua vào lúc 2 giờ 40 phút sáng ngày 24-11 (giờ địa phương).
Theo đài CNN, nguồn tài chính khí hậu 300 tỉ USD này sẽ được huy động cả từ khối công lẫn tư nhân ở các nước giàu có để chuyển đến các quốc gia nghèo hơn, dễ bị tổn thương để giúp các nước này đối phó với thời tiết ngày càng khắc nghiệt và chuyển đổi nền kinh tế của họ sang sử dụng năng lượng sạch.
Tuy nhiên, số tiền cam kết vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 1.300 tỉ USD/năm mà các quốc gia đang phát triển nhấn mạnh là cần thiết để hỗ trợ họ ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu – một vấn đề mà họ ít góp phần gây ra nhất.
“Chúng tôi sẽ rời đi với một phần nhỏ nguồn tài trợ mà các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu đang rất cần. Số tiền gần như chưa đủ nhưng đó là sự khởi đầu” - bà Tina Stege, đặc phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall, nói.
Trước đó, tối 23-11, các quốc gia tham gia COP29 đã đồng thuận thông qua các quy tắc thiết lập một thị trường toàn cầu cho việc mua bán tín chỉ carbon. Các quy định này được kỳ vọng sẽ huy động thêm hàng tỉ USD cho các dự án mới nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, từ tái trồng rừng đến ứng dụng các công nghệ năng lượng sạch.
Hội nghị về khí hậu COP29 tại thủ đô Baku (Azerbaijan) ban đầu lên kế hoạch kết thúc vào ngày 22-11, nhưng đã phải kéo dài thêm thời gian vì các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đã phải rất nan giải để đạt được sự đồng thuận về kế hoạch tài trợ khí hậu cho thập niên tới.
Theo Reuters, đã có lúc các đại biểu từ các quốc đảo nhỏ và nghèo đã bỏ cuộc đàm phán vì thất vọng về cái mà họ gọi là sự thiếu tính bao hàm, và trong bối cảnh lo ngại các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch đang tìm cách làm loãng các khía cạnh của thỏa thuận.
Hội nghị thượng đỉnh đã đi thẳng vào trọng tâm của cuộc tranh luận về trách nhiệm tài chính của các nước công nghiệp hóa, những nước có lịch sử sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều và gây ra phần lớn lượng khí thải nhà kính, để bồi thường cho những nước khác về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cop29-300-ti-usd-moi-nam-cho-cac-nuoc-ngheo-post821374.html