CPI và PPI của Trung Quốc lần đầu tiên cùng giảm kể từ năm 2020

Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên cả 2 chỉ số này giảm kể từ năm 2020.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm nay (9/8) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy, trong tháng 7, chỉ số này giảm 0,3% so với năm ngoái. Đây là lần đầu tiên CPI Trung Quốc đi xuống kể từ tháng 2/2021, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang đứng trước nguy cơ giảm phát.

Cũng trong tháng 7, chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, với mức giảm 4,4% so với năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, cả CPI và PPI của Trung Quốc cùng giảm.

Trước đó, ngày 8/8, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan nước này, tính theo đồng USD, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là tháng thứ 9 liên tục giảm. Kim ngạch xuất khẩu cũng giảm tháng thứ 3 liên tiếp, với mức giảm lên tới 14,5% trong tháng 7. Đây là mức giảm nhanh nhất tính từ thời kỳ đầu đại dịch Covid-19 năm 2020.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Trung Quốc giảm 0,3% so với năm ngoái - Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Trung Quốc giảm 0,3% so với năm ngoái - Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tuy nhiên, nhà thống kê trưởng của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Đổng Lợi Quyên cho rằng, CPI nước này giảm là do mức nền năm ngoái cao. Việc giảm này chỉ mang tính giai đoạn. “So với tháng trước, CPI của Trung Quốc đã tăng 0,2% trong tháng 7. Trong thời gian tới, khi nền kinh tế nước này phục hồi, nhu cầu thị trường sẽ mở rộng và mối quan hệ cung cầu sẽ được cải thiện”, ông Đổng Lợi giải thích.

Đánh giá về nền kinh tế Trung Quốc, cuộc họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tập Cận Bình hôm 24/7 từng cho biết, hoạt động kinh tế hiện nay đang đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, chủ yếu do nhu cầu trong nước suy giảm, một số doanh nghiệp vận hành khó khăn, các lĩnh vực trọng điểm tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường bên ngoài phức tạp khắc nghiệt.

Kinh tế Trung Quốc từng phát triển mạnh trong quý I/2023, sau khi nước này chấm dứt chính sách Zero Covid vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường bất động sản chưa cải thiện, nhu cầu hàng xuất khẩu giảm và tiêu dùng trong nước yếu đã gây áp lực lên đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cpi-va-ppi-cua-trung-quoc-lan-dau-tien-cung-giam-ke-tu-nam-2020-post1038198.vov