Cú nhảy vọt của ngành xe điện Trung Quốc khiến phương Tây bất ngờ

Áp lực cạnh tranh, sáng tạo đã giúp Trung Quốc có những bước tiến vượt bậc trong thiết kế và chế tạo các sản phẩm xe điện, trở thành đối thủ đáng gờm đối với nước phát triển khác.

Kể từ đầu năm nay, Trung Quốc đã 2 lần gây chấn động ngành công nghiệp ôtô toàn cầu. Lần đầu tiên là sự ra mắt của các mẫu xe điện của quốc gia châu Á tại triển lãm ôtô Thượng Hải, khiến nhiều đối thủ phương Tây phải bất ngờ về chất lượng, kiểu dáng và giá thành của những sản phẩm trên. Lần thứ 2 chính là báo cáo vào quý một năm 2023, cho thấy Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ôtô lớn nhất trên thế giới.

Làm cách nào mà Trung Quốc có thể trở thành quốc gia dẫn đầu thị trường của mặt hàng tiêu dùng đắt đỏ và xa xỉ nhất trên thế giới, từng được thống trị bởi các doanh nghiệp từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc?

Theo Wall Street Journal, câu trả lời nằm ở sự kết hợp độc đáo của các yếu tố gồm chính sách công nghiệp, bảo hộ doanh nghiệp và động lực cạnh tranh tại thị trường nội địa. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây và chủ doanh nghiệp được chuẩn bị để đối phó tốt hơn với 2 yếu tố đầu tiên thay vì yếu tố thứ 3.

Chính sách công nghiệp hợp lý

Đầu tiên là chính sách công nghiệp, sử dụng tài nguyên của chính quyền để hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên. Trung Quốc đã áp dụng các chính sách như trên trong hàng thập kỷ. Dù những chính sách này đang dần được áp dụng ở các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, đây vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.

Tại nhiều quốc gia, chính quyền thường đưa ra những nhận định sai lầm về các công nghệ cần được ưu tiên, dẫn đến lãng phí tài nguyên.

Nhưng trong trường hợp của ngành xe điện, các chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã tạo ra một số thành công nhất định. Đầu tiên, các quốc gia trên thế giới thống nhất rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa thường trực, đòi hỏi sự chuyển dịch nhằm thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Bắc Kinh đã nhận định chính xác rằng trong lĩnh vực phương tiện, sự chuyển dịch này sẽ hướng tới ngành công nghiệp xe điện.

Vào năm 2009, Trung Quốc bắt đầu có các gói trợ cấp cho những người mua xe điện. Quá trình mua sắm công các phương tiện như taxi và xe buýt cũng nhắm tới các sản phẩm chạy điện. Việc xây dựng trạm sạc cũng được trợ cấp bởi chính phủ. Trong khâu sản xuất, các chính quyền địa phương đẩy mạnh đầu tư các ngành công nghiệp khai thác lithium và sản xuất pin cho xe điện.

Vào năm 2020, NIO - một doanh nghiệp có tiềm năng thách thức Tesla ở thời điểm bấy giờ - đã thoát khỏi tình trạng phá sản nhờ vào gói cứu trợ của chính phủ Trung Quốc.

Bảo hộ doanh nghiệp tạo động lực cho thị trường nội địa

Trong khi chính sách công nghiệp tạo ra nhu cầu cho xe điện, hoạt động bảo hộ doanh nghiệp giúp đảm bảo rằng những chiếc xe điện này được chế tạo tại Trung Quốc, bởi các công ty nội địa.

Để được nhận trợ cấp tại Trung Quốc, các sản phẩm ôtô cần phải được sản xuất trong nước. Mặc dù một số công ty nước ngoài cũng được nhận trợ cấp, Bắc Kinh yêu cầu các doanh nghiệp này sử dụng sản phẩm pin được Trung Quốc chế tạo.

 Một mẫu xe điện của công ty chế tạo ôtô Trung Quốc NIO tại triển lãm ôtô Thượng Hải vào tháng 4. Ảnh: Economic Times.

Một mẫu xe điện của công ty chế tạo ôtô Trung Quốc NIO tại triển lãm ôtô Thượng Hải vào tháng 4. Ảnh: Economic Times.

Chính sách này giúp các doanh nghiệp chế tạo pin lớn nhất của Trung Quốc như Contemporary Amperex Technology và BYD đạt được lợi thế trước các công ty đứng đầu thế giới lúc bấy giờ ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Để được bán xe tại Trung Quốc, các công ty ôtô nước ngoài phải tuân thủ những quy định nhằm phát triển kỹ năng công nghiệp ở địa phương.

Theo ông Gregor Sebastian, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức, công ty quốc doanh Guangzhou Automobile Group xây dựng được quy trình sản xuất hợp lý để trở thành một đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp xe điện sau khi liên doanh với Toyota và Honda.

Mặc dù nhận được sự ủng hộ trên, doanh số bán xe điện ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp cho đến năm 2019, khi Bắc Kinh cho phép tập đoàn Tesla xây dựng một cơ sở sản xuất khổng lồ ở thành phố Thượng Hải.

"Đây là chất xúc tác để tăng sự hứng thú của người dân và mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp chế tạo ôtô Trung Quốc", Tu Le, giám đốc dịch vụ nghiên cứu Sino Auto Insights nhận định.

Vào năm 2011, Pony Ma, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Tencent, đã giải thích sự khác biệt giữa cách làm của Trung Quốc so với Mỹ.

"Tại Mỹ, khi đưa một ý tưởng ra thị trường, bạn sẽ có một vài tháng để chiếm được thị phần lớn nhất trước khi đối thủ cạnh tranh bắt đầu xuất hiện. Nhưng tại Trung Quốc, bạn có hàng trăm đối thủ cạnh tranh ngay từ những giờ đầu tiên. Ý tưởng không phải là điều quan trọng nhất ở Trung Quốc, cách bạn hiện thực hóa nó mới là yếu tố then chốt", doanh nhân này trả lời tạp chí công nghệ East Company.

Nhờ sự cạnh tranh trên, ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đã chuyển mình từ một sáng kiến công nghiệp của chính phủ thành một hệ sinh thái chủ yếu được vận hành bởi các doanh nghiệp tư nhân. Tất cả quá trình này diễn ra bên ngoài sự chú ý của phương Tây khi Trung Quốc phong tỏa để chống đại dịch Covid-19.

Từ kẻ bám đuổi trở thành người dẫn đầu thị trường

"Khi các nhà sản xuất phương Tây đến triển lãm ôtô Thượng Hải vào tháng 4, họ thấy hàng loạt sản phẩm xe từ các thương hiệu Trung Quốc với biển số màu xanh lá cây", Le cho biết, nhắc đến những biển số màu xanh lá cây dùng để chỉ những sản phẩm chạy bằng năng lượng sạch.

"Họ nghe tiếng những chiếc cửa đóng lại. Ngồi trong ôtô và nhìn vào chất lượng của vật liệu, của nội thất, đó là lúc các doanh nghiệp này nhận ra rằng Trung Quốc đã đuổi kịp họ", ông bổ sung.

Các nhà sản xuất xe chạy bằng xăng thường tập trung vào chất lượng sản phẩm, trong khi nhà sản xuất xe điện - như các tập đoàn công nghệ - hướng tới trải nghiệm của người dùng.

Những chiếc ôtô điện do Trung Quốc sản xuất thường có từ 2 đến 3 màn hình. Trong đó một màn hình phục vụ riêng cho nhu cầu giải trí và được đặt ở băng ghế phía sau. Những chiếc xe này cũng được trang bị nhiều bộ cảm biến lidar (sử dụng công nghệ phát hiện vật cản bằng laser), để hỗ trợ cho tài xế. Những chiếc xe này còn được trang bị cả microphone để hát karaoke - một chi tiết được hãng xe điện Tesla sao chép không lâu sau đó.

Trong khi đó, các nhà cung cấp Trung Quốc như CATL đã đi từ vị thế kẻ bám đuổi thành những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

 Các sản phẩm ôtô điện tại Trung Quốc được mang biển số màu xanh lá cây. Ảnh: Zuma Press.

Các sản phẩm ôtô điện tại Trung Quốc được mang biển số màu xanh lá cây. Ảnh: Zuma Press.

Mặc dù thành công của Trung Quốc không đảm bảo nước này sẽ dẫn đầu ngành công nghiệp xe điện hay những lĩnh vực quan trọng hơn như phần mềm và sản phẩm bán dẫn trong tương lai, các nhà lập pháp phương Tây đến nay vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời để đối phó với lợi thế đã được nền kinh tế lớn nhất châu Á tạo nên.

'Bạn không thể tự đóng cửa thị trường của mình nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nội địa. Câu hỏi quan trọng nhất chính là làm thế nào để tiếp cận thị trường ở nam bán cầu, nơi các quốc gia vẫn rất sẵn sàng làm ăn với Trung Quốc", ông Sebastian nhận định.

Các công ty phương Tây nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh sự hiện diện tại Trung Quốc, không phải với mục đích bán xe điện mà nhằm tiếp cận các nhà cung cấp và công nghệ tiên tiến nhất.

"Trung Quốc như một phòng tập. Dù tình hình ngày càng trở nên khó khăn, bạn vẫn phải ở lại thị trường này vì nó giúp các doanh nghiệp luôn trong trạng thái khỏe mạnh do sự cạnh tranh lớn", Jorg Wuttke, cựu chủ tịch Phòng thương mại Liên minh châu Âu ở Trung Quốc, cho biết.

An Bình

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cu-nhay-vot-cua-nganh-xe-dien-trung-quoc-khien-phuong-tay-bat-ngo-post1439436.html