Cửa sáng mua nhà ở xã hội: Sẽ hết cảnh nghìn người xếp hàng chen chúc
Nghị định về phát triển nhà ở xã hội sẽ được trình xin ý kiến thành viên Chính phủ đầu tháng 5 tới đây, trong đó có nhiều nội dung mới, rút gọn điều kiện. Đáng chú ý là việc có thể bốc thăm trực tuyến mà không phải đến sớm xếp hàng như trước.
Thông tin trên được ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết tại tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội" do báo Tiền Phong tổ chức hôm nay (17/4).
Theo ông Hưng, Quốc hội đã ban hành các luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai,... có hiệu lực từ 1/1/2025. Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, quyết tâm xây dựng các văn bản dưới luật sớm, trình Quốc hội để đưa các luật này có hiệu lực từ 1/7/2024 - tức là sớm hơn nửa năm.
“Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo nghị định về phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), trong 1-2 tuần tới sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện và trình xin ý kiến thành viên Chính phủ vào đầu tháng 5”, ông Hưng cho hay.
Trong nghị định này, có nhiều nội dung mới về quỹ đất, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi, thủ tục mua bán cũng như điều kiện để được mua NƠXH.
"Về đối tượng mua, rút xuống chỉ còn 2 điều kiện là nhà ở và thu nhập; đối tượng thuê thì lược bỏ tất cả các điều kiện, chỉ cần thuộc nhóm đối tượng mà luật đã quy định cụ thể. Tới đây, ngoài bốc thăm trực tiếp, có thể bốc thăm trực tuyến nên người dân không phải đến sớm xếp hàng vào bốc thăm như trước” - ông Hưng nói.
Về điều kiện thu nhập, dự thảo nghị định đề xuất theo hướng mới: với người độc thân có mức thu nhập 15 triệu đồng; hộ gia đình, hai vợ chồng tổng thu nhập không quá 30 triệu là đủ điều kiện mua. Mức thu nhập này chỉ cần cơ quan nơi công tác xác nhận, không cần ra cơ quan thuế.
Quy định 10 ngày, doanh nghiệp làm mất 143 ngày
Trao đổi tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, mỗi năm thành phố làm được 3.000 căn, trong khi nhu cầu tại TP.HCM là trên dưới 100.000 căn. Chỉ tiêu đề ra là từ năm 2021-2025 TP phải có hơn 450.000 căn nhà ở xã hội, tuy nhiên hiện mới chỉ được hơn 40.000 căn nên phải chạy đua.
“Năm 2022-2023 TP.HCM đã khởi công 8 dự án, nhưng sau đó không triển khai được vì vướng pháp lý; trong đó 70% dự án bất động sản thương mại, 100% dự án xã hội, trừ trường hợp nhà nước đấu thầu chọn chủ đầu tư” - ông Châu thông tin.
Theo ông Châu, vướng mắc nhất ở chấp thuận chủ trương đầu tư. Đa số doanh nghiệp mua đất làm NƠXH, về cơ chế được ưu đãi tăng 50% mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Điều này dẫn tới tăng quy mô dân số không phù hợp quy hoạch phân khu, nên không được cấp chủ trương đầu tư.
Ông Trần Mạnh Trung - Giám đốc Ban quản lý dự án NƠXH Hạ Đình - Udic Eco Tower 214 Nguyễn Xiển (Hà Nội), cho hay, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2020, sau đó điều chỉnh sang năm 2022. Lý do điều chỉnh, thay vì quy mô 12 tầng, doanh nghiệp xin điều chỉnh lên thành 25 tầng cũng như tăng số căn hộ, tăng diện tích sàn.
Việc chậm trễ thi công, ông Trần Mạnh Trung lý giải phần lớn do quỹ đất sử dụng 100% vốn nhà nước, các thủ tục về đầu tư xây dựng được thực hiện theo đúng quy định nên thời gian bị kéo dài.
“Ví như xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, giai đoạn thiết kế,... theo quy định có 10 ngày, nhưng khi làm chúng tôi mất khoảng 143 ngày do hai lần được góp ý về những quy chuẩn trong phòng cháy chữa cháy”, ông Trung chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, cho rằng, nếu không có đất, không thể làm NƠXH. Nhưng muốn làm được quỹ đất việc đầu tiên UBND tỉnh, thành phố phải có quỹ đất được giải phóng mặt bằng.
“Làm nhà ở xã hội phải phù hợp, chứ không thể người có nhu cầu ở Hà Nội mà dự án lại làm tại Hoài Đức, Sóc Sơn thì không ai ở”, ông Đường nhấn mạnh.
Ông Đường kể, trước đây ông làm dự án tại Hoàng Quốc Việt, chỉ trong vòng 2 tháng ra được giấy phép nhưng nay 2 năm vẫn chưa xong chủ trương đầu tư. Tất cả những việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại Hoàng Mai (Hà Nội), công ty có hai khu đất xin chuyển sang làm NƠXH. Một khu đã được cấp chủ trương từ 24/4/2023 nhưng thủ tục vẫn chưa xong. Dự án còn lại UBND TP. Hà Nội vẫn chưa cấp chủ trương đầu tư.
Để tháo gỡ khó khăn, theo ông Đường, quan trọng nhất phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở, công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.
Về kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Đường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngay sau tọa đàm Bộ sẽ đề nghị TP. Hà Nội sớm xem xét giải quyết việc này. Bởi nếu doanh nghiệp đang có quỹ đất, quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, đã được bố trí quy hoạch làm đất ở thì theo pháp luật về nhà ở hiện nay được đồng thời công nhận là nhà đầu tư dự án.
“Thời gian qua Bộ Xây dựng đã làm việc với TP. Hà Nội. Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của TP và các sở, ban ngành trong việc công khai quỹ đất. Thực tế, Hà Nội dành nhiều quỹ đất phát triển NƠXH nhưng triển khai còn hạn chế", Thứ trưởng nói.