Cục Hóa chất ứng phó linh hoạt, xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho ngành
Giai đoạn 2020 - 2025, Cục Hóa chất đã nỗ lực vượt khó, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, ứng phó hiệu quả với đại dịch và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Giai đoạn 2020 - 2025 là một nhiệm kỳ nhiều biến động đối với ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam. Từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến những thay đổi trong chính sách pháp luật, hệ thống quản lý nhà nước về hóa chất đã trải qua không ít thách thức. Thế nhưng, giữa muôn vàn khó khăn, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) vẫn giữ vững vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, từng bước vượt qua sóng gió để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Cuộc chiến thầm lặng trong đại dịch Covid-19
Nhắc đến dấu ấn nhiệm kỳ, không thể không kể đến vai trò của Cục Hóa chất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Khi nhu cầu oxy y tế tăng vọt, nhiều nơi khan hiếm nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, Cục đã phối hợp cùng Bộ Y tế, các địa phương và doanh nghiệp nhanh chóng điều phối, đảm bảo cung ứng oxy liên tục.
“Tôi còn nhớ như in đêm đó, 11 giờ đêm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gọi điện yêu cầu phải có oxy chuyển gấp vào phía Nam. Đến sáng hôm sau, xe chở oxy đầu tiên đã xuất phát”, ông Phạm Huy Nam Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất xúc động kể lại.

Ông Phạm Huy Nam Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất chia sẻ với phóng viên về những thành tựu nổi bật của Cục Hóa chất trong giai đoạn 2020 - 2025
Thành công này không đến từ nguồn lực sẵn có, mà là kết quả của sự phối hợp linh hoạt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, cùng tinh thần trách nhiệm, quyết đoán của các cấp lãnh đạo Ban Cán sự Đảng bộ Công Thương, nay là Đảng ủy Bộ Công Thương.
“Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng gác lại lợi ích riêng để phục vụ cộng đồng. Các đoàn xe oxy chỉ cần treo băng rôn là được lực lượng Cảnh sát giao thông ưu tiên dẫn đường từ đầu đến cuối tỉnh”, ông Sơn nói thêm.
Hiện đại hóa quản lý và xây dựng nền tảng pháp lý mới
Theo ông Phạm Huy Nam Sơn, một trong những thách thức của Cục Hóa chất trong nhiệm kỳ vừa qua là Luật Hóa chất được ban hành từ năm 2007 đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn phát triển và thiếu tính đồng bộ với các luật ban hành sau. Trong khi đó, lực lượng quản lý hóa chất ở địa phương còn mỏng, cả về số lượng lẫn chuyên môn, gây khó khăn cho công tác giám sát, thanh tra và hướng dẫn doanh nghiệp.
Tại Cục Hóa chất, số lượng biên chế được tổ chức theo hướng tinh gọn, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu cao về sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm từ các cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu trong giai đoạn vừa qua.
“Tuy vậy, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và sự đoàn kết nội bộ, Cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Cục Hóa chất trong nhiệm kỳ qua là việc xây dựng thành công Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, được ban hành theo Quyết định số 726/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Sơn chia sẻ.
Cùng với đó, Cục Hóa chất còn ghi dấu ấn với việc tham mưu xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2025. Đây là một bước ngoặt quan trọng với nhiều tư duy đổi mới. Luật mới thể hiện tư duy tiếp cận hiện đại trong quản lý, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, kiểm soát toàn bộ vòng đời hóa chất, tạo hành lang pháp lý cho việc kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và nâng cao năng lực ứng phó sự cố.

Luật Hóa chất (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2025
Giai đoạn 2020 - 2025 cũng ghi nhận chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất. Qua công tác thanh, kiểm tra nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp đầu mối đã chuyển từ tư duy tuân thủ tối thiểu sang chủ động kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy cơ chế giám sát đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao tính tuân thủ và bảo đảm an toàn hóa chất trong cộng đồng doanh nghiệp.
Hướng đến quản trị số và hội nhập quốc tế sâu rộng
Trong những năm qua, Cục Hóa chất là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia đã đi vào vận hành từ năm 2018, đây là một hệ thống tích hợp toàn bộ giấy phép, báo cáo, thông tin hoạt động của doanh nghiệp trong ngành. Nhờ hệ thống này, công tác giám sát, thanh tra trở nên chủ động và chính xác hơn, nhiều hành vi vi phạm được phát hiện từ giai đoạn rà soát dữ liệu ban đầu. Đây cũng là tiền đề để Luật Hóa chất (sửa đổi) tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục hành chính và tăng tính minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.
“Bước sang giai đoạn mới, Cục Hóa chất xác định nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Từ nay đến 1/1/2026, chúng tôi sẽ tham mưu ban hành 4 nghị định và 2 thông tư, đảm bảo luật mới đi vào vận hành đồng bộ, kịp thời và hiệu quả”, ông Sơn khẳng định.
Cùng với đó, Cục cũng đang lên kế hoạch nâng cấp cơ sở dữ liệu để phù hợp với yêu cầu quản lý hóa chất trong môi trường số. Theo ông Sơn, nếu không có nền tảng dữ liệu đủ mạnh, toàn bộ hệ thống pháp luật mới sẽ khó triển khai thực tế. Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ then chốt của Cục trong 6 tháng cuối năm 2025.
Song song với pháp lý và hạ tầng, việc cập nhật Chiến lược phát triển ngành cũng là một nội dung trọng tâm. Các nghị quyết gần đây như Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 đã đặt ra yêu cầu cao hơn với ngành công nghiệp nền tảng, đòi hỏi sự điều chỉnh kịp thời về tư duy, phương pháp và mục tiêu phát triển.
Với nền tảng đã xây dựng cùng tinh thần đoàn kết nội bộ, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công Thương và sự đồng hành của doanh nghiệp, ngành hóa chất Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để bứt phá. Từ vị trí hậu phương thầm lặng trong đại dịch, Cục Hóa chất đã khẳng định được vai trò “gác cổng” cho an toàn công nghiệp và sức khỏe cộng đồng, điều mà ít ai nghĩ đến khi nhắc đến hóa chất.
Trên bình diện quốc tế, Cục Hóa chất tích cực thực thi các công ước mà Việt Nam là thành viên như Công ước Cấm vũ khí hóa học, Công ước Rotterdam, Công ước Minamata. Việc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam mà còn nâng cao uy tín của ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam trên trường quốc tế.