Cúm mùa diễn biến bất thường: Cần chủ động phòng tránh nhưng đừng quá hoang mang

Cúm mùa đang được các chuyên gia đánh giá là bất thường với tỷ lệ dương tính, nhập viện cao đột biến tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam cũng ghi nhận các ca cúm mùa tăng cao, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi hoặc người mắc nhiều bệnh nền.

Lo ngại bệnh cúm đang có xu hướng gia tăng, nhiều người dân ở TPHCM đưa cả gia đình đi tiêm vaccine cúm. Theo Bác sĩ Đinh Văn Thới, Trưởng phòng khám tiêm chủng Viện Pasteur TPHCM, số người đến tiêm vaccine cúm gần đây tăng khoảng 5-7 lần so với trước tết.

Hiện tượng bình thường khi thời tiết khắc nghiệt

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Khi mắc phải cúm thường khiến người bệnh có các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Cúm mùa có khả năng lây nhiễm rất cao thông qua đường hô hấp, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi ho khạc, hắt hơi. Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, tuy nhiên với trẻ em, người lớn tuổi hay người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, có khả năng gây biến chứng hoặc dẫn đến tử vong.

Chuyên gia dịch tễ học – Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: Cả thế giới trong năm nay do thời tiết lạnh nhiều nên số ca nhiễm cúm tăng lên, chủ yếu vẫn là cúm mùa, những nước nào càng lạnh thì cúm sẽ càng nhiều. Virus cúm gặp trời lạnh sẽ sống được lâu hơn ở ngoài môi trường, việc kéo dài thời gian tồn tại như vậy sẽ gia tăng khả năng lây lan. Khi trời lạnh, người bị mắc cúm sẽ dễ biến chứng hơn, triệu chứng có thể nặng và kéo dài hơn. Đó là lý do khiến số ca mắc cúm mùa nhiều, trong đó có một số trường hợp tử vong. Đây là hiện tượng hết sức bình thường khi thời tiết khắc nghiệt và thuận lợi cho virus cúm.

Sát khuẩn hầu họng đúng cách để hạn chế vi rút xâm nhập qua đường thở

Thông thường, khi virus xâm nhập vào bên trong cơ thể, phần lớn đi vào niêm mạc mũi và miệng, sau đó sinh sôi ở đường hô hấp trên (hầu, họng). Sau quá trình ủ bệnh, chúng sẽ di chuyển xuống đường hô hấp dưới (phổi, phế quản). Việc súc miệng, súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn giúp hỗ trợ ngăn virus xâm nhập vùng hầu họng, hỗ trợ phòng lây nhiễm, chống virus phát tán mạnh hơn.

Dung dịch sát khuẩn dùng để súc miệng thường chứa các loại tinh dầu Bạc hà, Lộc đề, Xạ hương, Bạch đàn… không chỉ mang lại hương thơm dễ chịu mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhờ khả năng kháng khuẩn và kháng viêm mạnh mẽ sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn và virus gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Nhất là trong giai đoạn mùa lạnh như hiện nay, khi nguy cơ mắc bệnh tăng cao. Một số loại dung dịch diệt khuẩn còn giúp dịu cơn đau họng, giảm triệu chứng khó chịu nhờ vào tính chất làm mát hay tính chất chống viêm. Người dùng cần cân nhắc lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo tính an toàn, thân thiện với môi trường và ít gây tác dụng phụ khi sử dụng.

Chủ động tăng cường miễn dịch cho bản thân

Virus cúm có khả năng khả năng lây truyền vô cùng nhanh chóng và khó kiểm soát, người dân cần cẩn trọng trong việc phòng tránh bệnh, tuy nhiên cũng không nên quá hoang mang, lo sợ mà cần tìm hiểu kỹ thông tin từ nguồn tin chính thống. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người có thể chủ động phòng ngừa cúm mùa bằng cách tạo ra cho cơ thể một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn phù hợp.

- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

- Tiêm vaccine cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc phòng bệnh, cần phối hợp đồng bộ tất cả những biện pháp phòng chống dịch bệnh theo nguyên tắc tránh virus xâm nhập vào cơ thể qua đường thở. Vì vậy, hàng ngày nên sát khuẩn hầu họng thường xuyên để hỗ trợ hệ miễn dịch, điều này không chỉ giúp phòng chống nhiễm cúm mà còn tốt cho người bệnh khi lỡ mắc phải cúm mùa.

(Theo sggp.org.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202502/cum-mua-dien-bien-bat-thuong-can-chu-dong-phong-tranh-nhung-dung-qua-hoang-mang-1035232/