Cúng ông Công ông Táo không có cá chép được không?

Nhiều người thắc mắc cá chép có phải lễ vật bắt buộc khi cúng ông Công ông Táo để tiễn các ngài về trời vào ngày 23 tháng Chạp hay không.

Cúng ông Công ông Táo không có cá chép được không?

Nghi thức cúng và thả cá chép thường gắn liền với lễ tiễn ông Công ông Táo về trời. Các gia đình thực hiện việc cúng cá chép và thả chúng với niềm tin rằng cá chép sẽ hóa rồng, giúp ông Táo lên thiên đình.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn liệu có thể cúng ông Táo không có cá chép hay không.

Theo TS Lý Tùng Hiếu (giảng viên khoa Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) chia sẻ với Znews, việc cúng cá chép trong lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo không phải là nghi thức bắt buộc. Trong các sự tích về ông Công, ông Táo không đề cập về việc phải cúng và thả cá chép.

 Cúng ông Táo không có cá chép được không? (Ảnh: Viên Minh)

Cúng ông Táo không có cá chép được không? (Ảnh: Viên Minh)

TS Hiếu cho biết, nghi thức cúng cá chép được hình thành từ cổ tục và mang tính tín ngưỡng dân gian, nhằm tạo thêm màu sắc cho lễ cúng. Mặt khác, nó cũng có thể là sự kết hợp với niềm tin của một vài tôn giáo.

Đôi khi, việc thả cá chép được người dân gửi gắm niềm tin phóng sinh theo đạo hiếu sinh của nhà Phật. Vì vậy, những người không có niềm tin vào việc "cá chép hóa rồng" để Táo quân về trời hoàn toàn không nhất thiết phải thực hiện nghi thức này.

TS Hiếu nhận định, việc thả cá chép không phải là yêu cầu bắt buộc trong lễ cúng ông Táo. Tuy nhiên, nếu gia đình lựa chọn thực hiện nghi thức này, nên sử dụng cá chép vàng, số lượng và kích thước có thể tùy ý theo ý muốn của gia chủ.

"Không tài liệu nào quy định phải thả bao nhiêu cá chép và kích thước của cá chép ra sao trong ngày cúng đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời. Nhưng gia chủ không nên mua và phóng sinh loại cá khác vì chỉ có cá chép mới gắn liền với ngày Táo quân" , TS Hiếu nói.

Thả cá chép đúng cách trong nghi lễ cúng ông Công ông Táo

Cá chép hóa rồng, mang theo hy vọng về sự thành công, thăng tiến và may mắn. Chính vì vậy, cá chép đã trở thành biểu tượng của sự thăng hoa, may mắn và là phương tiện mà Táo quân sử dụng để lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng. Trong trường hợp cúng bằng cá chép, nhiều người băn khoăn làm sao để thả cá đúng cách, vừa giữ được lòng thành kính mà vẫn không sai lệch với truyền thống.

 Thả cá chép đúng cách là một phần không thể thiếu trong nghi lễ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Viên Minh)

Thả cá chép đúng cách là một phần không thể thiếu trong nghi lễ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Viên Minh)

Về vấn đề này, chuyên gia văn hóa - PGS.TS Phạm Ngọc Trung trả lời trên Lao Động cho biết, trong tín ngưỡng dân gian, người dân quan niệm rằng cá chép là loài vật linh thiêng. Con cá chép là con vật có thể bơi được dưới sông nước rồi sau đó hóa rồng. Và khi ở môi trường sông nước, đó là phương tiện đi lại của ông Công ông Táo lên chầu trời.

Nhiều người băn khoăn làm sao để thả cá ngày ông Công ông Táo về chầu trời cho đúng cách. Ảnh: Hồng Nhật

Nhiều người băn khoăn làm sao để thả cá ngày ông Công ông Táo về chầu trời cho đúng cách. Ảnh: Hồng Nhật

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cũng cho biết thêm, ngày xưa khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm, các gia đình sẽ thả ngay cá ở những nơi như hồ, sông ở gần nơi họ sinh sống. Như vậy, con cá sau khi được thả sẽ hóa rồng và trở thành phương tiện để đưa ông Công ông Táo lên chầu trời rồi lại đưa ông Công ông Táo quay trở lại trần gian.

"Nếu có điều kiện, người ta sẽ cúng cá chép còn sống, khỏe mạnh, không cần phải to. Nếu như những con cá mà yếu, lờ đờ, họ tin rằng nó sẽ không đủ khả năng để đưa ông Công ông Táo về trời. Về nơi thả, phải chọn những nơi sạch sẽ, có nước chảy như sông, suối" - PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết.

Theo sách “Phong tục thờ cúng của người Việt” của tác giả Song Mai - Quỳnh Trang, NXB Văn hóa Thông tin), nếu cúng cá chép sống thì sau khi làm lễ xong, gia chủ đem cá ra sông, hồ thả với tâm thế vui vẻ, thoải mái, cùng niềm tin cá sẽ đưa ông Táo về trời, điều này sẽ mang nhiều may mắn đến cho gia đình gia chủ.

Trong lúc thả cá nên nhẹ nhàng, từ từ để tránh va chạm mạnh làm cá chết, cũng không cần phải cầu khấn gì cả, chỉ cần đơn giản nghĩ là mình đang đơn thuần cứu vớt chúng là được. Sau khi thả cá xong nên lưu lại xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt chưa bơi đi. Không phóng sinh cá ở nơi nguồn nước bẩn, ô nhiễm, không thả cá ồ ạt, quăng, ném hay vứt cả núi nilon xuống hồ nước.

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cung-ong-cong-ong-tao-khong-co-ca-chep-duoc-khong-172250119152503015.htm