'Cuộc cách mạng' trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tinh thần, cách tiếp cận mới rất tích cực, có thể coi như là 'cuộc cách mạng' trong quản lý vốn. Đây là đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc huy động vốn, đặc biệt là vốn sở hữu rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp. Ảnh tư liệu

Việc huy động vốn, đặc biệt là vốn sở hữu rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp. Ảnh tư liệu

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được đưa ra lấy ý kiến hiện nay?

TS. Võ Trí Thành: Vốn đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là những vấn đề rất lớn và cũng hết sức phức tạp, nhạy cảm ở Việt Nam. Việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) vì thế cũng là quá trình rất gian nan, phức tạp. Qua tiếp xúc với dự thảo mới, tôi đánh giá cao tinh thần, cách tiếp cận của dự luật với nhiều điểm tích cực, có ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là việc sửa đổi, hoàn thiện mà thực chất đây là một luật mới, có những cái cách tiếp cận mới rất có ý nghĩa, những đổi mới rất căn bản trong quản lý và đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Xây dựng bám sát nội dung 6 chính sách đã được Quốc hội thông qua

Hồ sơ dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung 6 chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua. Theo đó, dự thảo Luật có 9 Chương và 92 Điều. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Điểm mới đầu tiên là làm rõ vai trò của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Vai trò đó là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong một thị trường cạnh tranh, hội nhập. Nhà nước không còn quản lý trực tiếp quá trình vận hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hay nói cách khác, Nhà nước sẽ quản lý theo dòng vốn đầu tư chứ không quản lý doanh nghiệp với tư cách là một pháp nhân. Như vậy, các doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ được bình đẳng trong các luật, ví dụ như Luật Doanh nghiệp.

Điểm mới thứ hai là tăng tính minh bạch, quyền hạn, trách nhiệm của đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự thảo đã cố gắng làm rõ về các thẩm quyền, cùng với đó là việc giám sát để đảm bảo dòng vốn hiệu quả, minh bạch nhất có thể.

Điểm mới thứ ba là dự thảo đã tính đến mức độ linh hoạt, chuyển động nhanh chóng của thị trường. Do đó, trong chừng mực nhất định đã tạo ra sự linh hoạt trong chuyển đổi, sắp xếp lại vốn.

Một điểm mới quan trọng nữa là quan điểm đánh giá kết quả theo tổng thể. Điều này rất quan trọng bởi vốn nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp thường gắn với nhiều mục tiêu chứ không chỉ đơn thuần vì hiệu quả kinh doanh, khó mà có thể “trăm trận, trăm thắng”.

Ngoài ra là những điểm mới về cải cách thủ tục, quy trình đầu tư vốn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản trị doanh nghiệp…

Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh một lần nữa rằng đây là quá trình sửa đổi hết sức phức tạp, bởi vì đối tượng, phạm vi và sự liên quan, thậm chí là chồng chéo giữa luật này với các luật khác là rất lớn.

PV: Theo cách tiếp cận quản lý theo dòng vốn, dự thảo luật đã mở rộng đối tượng điều chỉnh tới các doanh nghiệp F2, tức là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nhà nước (doanh nghiệp F1). Đây là mội dung rất được quan tâm, bàn luận. Có những ý kiến lo ngại sẽ quản lý doanh nghiệp F2 thế nào. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành: Nội dung này liên quan đến những ách tắc lớn lâu nay ở các doanh nghiệp F1, F2 về quy trình quản lý, phân cấp. Do đó, dự thảo luật đã cố gắng đưa ra giải pháp để xử lý vấn đề này.

Ở đây, tôi cho rằng chúng ta phải hiểu dự thảo luật đang có mục tiêu theo hướng phải đảm bảo quyền tự chủ, linh hoạt, cố gắng tách quản trị dòng vốn với quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, với tư cách là một cái pháp nhân bình đẳng với tất cả các loại hình pháp nhân kinh doanh khác. Do đó, phải đảm bảo sự linh hoạt, nhất là cho doanh nghiệp F2.

Trong khi đó, cũng phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu bỏ vốn nhà nước ra đầu tư. Ngoài hiệu quả kinh tế, nhà nước cũng có những mục tiêu về phát triển công nghệ, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.

Do mục đích bỏ vốn như vậy, nên nó cũng lại đòi hỏi, tôi tạm gọi là sự “can thiệp” của Nhà nước vào doanh nghiệp. Nhưng can thiệp ở mức độ nào, ví dụ theo quy mô vốn hay là theo tính chất quan trọng của công nghệ, hay những vấn đề an ninh quốc phòng. Ở đây, một lần nữa phải tính đến những đặc thù cụ thể.

Mặt khác là về quá trình giám sát. Các nhà soạn thảo phải tính toán xem mức độ giám sát như thế nào để vừa đảm bảo tính thị trường, tính minh bạch của hoạt động doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu mà nhà nước mong muốn với khoản đầu tư của mình. Đây là một thách thức không nhỏ đối với việc xây dựng luật lần này.

PV: Trong dự thảo luật lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra 3 phương án về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất mức tối đa là 80% và được nhiều doanh nghiệp ủng hộ. Theo ông, quy định này có phù hợp?

TS. Võ Trí Thành: Việc huy động vốn, đặc biệt là vốn sở hữu rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp. Dự thảo này đề xuất 3 phương án, với tỷ lệ 50%, 80% và 100%, cao hơn mức trích lập trong Luật số 69 hiện hành. Theo tôi, đây là hướng đi tích cực, như ý kiến nhiều doanh nghiệp đã phân tích.

Quỹ Đầu tư phát triển được quy định sử dụng để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi trả tiền lương, tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê; thuê kiểm toán báo cáo tài chính; đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp; nộp về ngân sách nhà nước, điều chuyển giữa các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Việc này sẽ đảm bảo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc tái đầu tư từ lợi nhuận hàng năm, qua đó nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của nhà nước. Đồng thời, tạo động lực tốt hơn cho người lao động, cán bộ, công nhân viên chức của doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đảm bảo nguyên tắc quản lý vốn theo dòng tiền đầu tư

Luật số 69 hiện hành quy định Nhà nước quản lý theo pháp nhân doanh nghiệp, không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Từ đó, dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Để khắc phục vấn đề này, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp xác định đối tượng áp dụng bao gồm: Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn; Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp là doanh nghiệp có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp.

Quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cuoc-cach-mang-trong-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-155240-155240.html