'Cuộc chiến' chưa kết thúc (bài 2)

Cho đến thời điểm này, những người lính Biên phòng vẫn tiếp tục bám biên, chốt chặn trên biên giới để giữ vững thành quả ngăn chặn dịch Covid-19 ngay từ cửa ngõ đất nước trong bối cảnh các nước xung quanh vẫn có ca nhiễm mới.

Bài 1: Dầm mình trong sương gió, nắng lửa chống dịch

Bài 2: Câu chuyện từ khu cách ly

Một khoảng thời gian dài chưa được về thăm nhà, Đại úy Nguyễn Đăng Chiến, quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang không phải không có những nỗi niềm riêng khi mà người con thứ 2 mới chỉ được 14 tháng tuổi. Thế nhưng, nhiệm vụ chống dịch Covid-19 vẫn là mệnh lệnh cao nhất. Nỗi nhớ vợ, thương con, người lính này trao gửi qua những cuộc gọi video từ biên giới về nhà.

Đại úy Nguyễn Đăng Chiến xử lý vết nhiễm trùng ở rốn cháu bé hơn 1 tháng tuổi vừa vào khu cách ly. Ảnh: Dũng Phong

Đại úy Nguyễn Đăng Chiến xử lý vết nhiễm trùng ở rốn cháu bé hơn 1 tháng tuổi vừa vào khu cách ly. Ảnh: Dũng Phong

Ăn ngon, ngủ yên hơn

Thời điểm này, khu cách ly tại xã Xín Mần đang phục vụ 25 công dân trở về từ Trung Quốc. Ngày chúng tôi tới, gia đình anh Sùng Seo Chư vừa hồi hương. Ngay trong chiều đó, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đã tới khu cách ly khai thác tiền sử sức khỏe của gia đình họ, làm test nhanh và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm Covid-19.

Vợ chồng anh Chư là người Mông ở xã Xín Mần đưa con trai mới hơn 1 tuổi sang Trung Quốc làm thuê 1 năm nay. Anh Chư chia sẻ: “Từ Trung Quốc, tôi gọi điện về nhà, người thân bảo dịch bệnh rất nguy hiểm, trong xã có khu cách ly cho những người đi làm thuê trở về. Vì thế, tôi đưa cả vợ con về và tự nguyện xin cách ly. Ở đây, mọi thứ đều tốt”.

Ở khu cách ly, mỗi người có một thân phận khác nhau nhưng đều được chăm sóc rất tốt. “Chúng tôi được ăn uống đầy đủ, có thịt, có cá, ngon hơn ở Trung Quốc nhiều. Từ ngày về đây, tôi ăn ngon, ngủ yên hơn” - Ông Sùng Vần Diu, người Mông, 61 tuổi, quê ở Tuyên Quang chia sẻ.

Ông Diu đi làm thuê ở Trung Quốc từ tháng 8-2018. Đến cuối tháng 5-2020, ông được lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả về Việt Nam tại cửa khẩu Xín Mần, trong người chỉ có một chút tiền và vài bộ quần áo. Ông bảo, điều ông cảm động nhất là được các cán bộ ở khu cách ly quan tâm săn sóc, nhất là anh Chiến.

“Tôi bị đau thận, ở Trung Quốc phải ăn uống kham khổ, bệnh càng nặng. Người tôi bị phù. Hai bàn chân sưng to, không đi vừa đôi dép vẫn dùng nữa” – Ông Siu kể. Chính anh Chiến là người động viên, điều trị bệnh cho ông. “Giờ, chân tôi đi dép được rồi” – Ông Diu phấn khởi nói.

Ngày 12-6, sau khi hoàn thành thời gian cách ly, ông được trở về với gia đình. Trong niềm vui riêng, ông không quên gửi lời cảm ơn chân thành tới anh Chiến, anh Phong, anh Dũng – những cán bộ y tế đã động viên, chăm sóc ông suốt thời gian qua.

Về cùng đợt với ông Diu còn có 4 người phụ nữ khác, đều từng sống khắc khổ khi ở Trung Quốc. Trong đó, cô gái trẻ Lý Sà Tiến khiến cho ai biết chuyện cũng thương cảm, xót xa. Tiến 24 tuổi, người dân tộc Dao ở Lai Châu. Năm 14 tuổi, cô đi dự đám cưới cùng nhóm bạn rồi bị họ lừa bán sang Trung Quốc.

“Xe đi qua biên giới rồi em mới biết là mình bị lừa bán. 2 ngày sau, một người Trung Quốc tới đón em về làm vợ. Cuối năm 2019, em bị Công an Trung Quốc bắt do không có giấy tờ hợp pháp” – Lý Sà Tiến kể. Sau 8 tháng bị bắt giam, cuối tháng 5 vừa rồi, Lý Sà Tiến được trao trả về Việt Nam. Điều khiến cô day dứt là phải xa 3 con của mình, trong đó, đứa bé nhất mới hơn 2 tuổi. Người mẹ trẻ tâm sự: “Em không có tình cảm với chồng nhưng rất nhớ con, muốn đón con về nuôi mà không biết làm thế nào”.

Chưa về nhà do việc nước chưa xong

Rất nhiều người dân đã hoàn thành thời gian cách ly và được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Còn Đại úy Chiến và nhiều đồng đội, đồng nghiệp khác vì nhiệm vụ vẫn chưa thể về thăm nhà.

Anh Chiến quê Phú Thọ, là một trong số những cán bộ y tế “trực chiến” ở khu cách ly tại xã Xín Mần từ những ngày đầu tiên thành lập. Anh nắm rõ những con số liên quan đến khu cách ly cũng như số phận của những người từng vào, ra nơi đây. “Hầu hết bà con đều có cuộc sống rất vất vả, thậm chí khổ cực. Điều đó khiến chúng tôi cảm thông và chia sẻ nhiều hơn” - Anh Chiến chia sẻ.

Từ ngày 2-2 đến ngày 17-6, khu cách ly tại xã Xín Mần đã tiếp nhận 212 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về. Anh Chiến tâm sự: “Nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi sức khỏe, động viên tinh thần, hướng dẫn bà con tuân thủ quy định phòng dịch... Nói chung, công việc nhiều hơn bình thường, phải tiếp xúc thường xuyên với công dân từ Trung Quốc trở về không phải không có rủi ro và sự lo lắng là có, nhưng chúng tôi đều xác định tinh thần ngay từ những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ”.

Anh Chiến dự định trực Tết Nguyên đán Canh Tý xong sẽ về thăm vợ con và về quê thăm bố mẹ. Không ngờ, tính đến giờ, anh vẫn chưa được về. Vì bận “chiến đấu” với dịch Covid-19, anh phải thực hiện chế độ thăm nom bố mẹ trực tuyến qua điện thoại. Việc chăm sóc 2 người con, anh “nhường” cả cho vợ. “Cô ấy hiểu và rất thông cảm cho tôi, luôn động viên tôi giữ gìn sức khỏe, yên tâm công tác” - Anh Chiến chia sẻ.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Xín Mần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công dân vừa nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu Xín Mần. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Xín Mần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công dân vừa nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu Xín Mần. Ảnh: Bích Nguyên

Với trách nhiệm và tấm lòng của người bác sĩ mặc áo lính, anh Chiến đã trở thành bạn hết lòng chia sẻ, giúp đỡ bà con trong khu cách ly. “Ở đây có nhiều đối tượng khác nhau nên cách chăm sóc cũng khác nhau. Có bé mới hơn 1 tháng tuổi vừa trở về cùng bố mẹ có dấu hiệu nhiễm trùng rốn, tôi đang phải theo dõi, điều trị. Một số em bé thèm sữa mà bố mẹ lại không có tiền, nhiều khi anh em chúng tôi phải mua bánh, kẹo, sữa tặng các cháu để bổ sung dinh dưỡng. Có trường hợp bị đau yếu, mệt mỏi, chúng tôi phải gần gũi, động viên chăm sóc nhiều hơn như cô gái Ly Thị Chư, 22 tuổi, ở Lào Cai vừa bị sảy thai được 2 ngày tại Trung Quốc thì bị trao trả về. Còn Ma Thị Xoa, 28 tuổi, ở Lào Cai, có bầu được 3 tháng, bị ốm nghén, mệt mỏi, vật vã, nhìn thấy cơm là sợ. Có lúc cô ấy còn bị hạ đường huyết, chúng tôi phải động viên nhiều và mua thêm bánh, sữa cho cô ấy” - Anh Chiến kể.

Cùng trò chuyện với chúng tôi, anh Cháng Văn Phong, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xín Mần cho biết: “Lúc cao điểm, khu cách ly đón 78 người. Riêng việc chia cơm cũng vất vả, nhưng khó nhất vẫn là khâu giải thích, hướng dẫn họ tuân thủ các quy định cách ly, bởi nhiều người không biết tiếng phổ thông, lại chưa hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên còn chủ quan. Rất may là chính quyền xã đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, có đầy đủ kíp trực về y tế và an ninh. Nhờ đó, mọi việc đã suôn sẻ”.

Anh Phong cũng chưa một ngày về thăm vợ con từ Tết đến giờ. “Tháng trước, một cơn giông lốc đã làm hư hỏng mái nhà, để một mình vợ phải xoay xở, tôi cũng chạnh lòng nhưng biết làm sao được. Tôi chỉ có thể gọi điện về động viên cô ấy chia sẻ với công việc của tôi” - Anh Phong tâm sự.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-chien-chua-ket-thuc-bai-2-post430236.html