'Cuộc chơi' bi thương mà kỳ vĩ của thi ca và nghệ thuật
Với việc cho ra mắt tác phẩm mới nhất - trường ca 'Lò mổ' - có sự kết hợp giữa văn chương và nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tiếp tục khẳng định hành trình tìm tòi, đổi mới thi ca của mình.
1. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một người đa năng, ngoài văn chương, ông còn viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, viết báo, vẽ tranh… Nhưng thơ ca mới là nơi duy nhất để ông được giải phóng và trú ẩn. Nguyễn Quang Thiều từng chia sẻ rằng, có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới, nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới. Với tập trường ca “Lò mổ” mới nhất ông vừa cho ra mắt, quan niệm đó của ông về thi ca lại thêm một lần nữa được xác quyết.
Khác với những tác phẩm trước đây, với trường ca “Lò mổ”, Nguyễn Quang Thiều mang tới một sự thử nghiệm và đổi mới mạnh mẽ. Sự đổi mới ấy có thể thấy rõ cả trong thi pháp, trong ngôn ngữ và hình thức thể hiện. “Lò mổ” có sự xuất hiện của rất nhiều thể loại, từ thư từ, bản nháp, biên bản và cả những đoạn đối thoại kịch. Tập trường ca cũng được ra mắt bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Ở phiên bản tiếng Anh, phần chuyển ngữ do chính tác giả thực hiện và nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl là người hiệu đính.
Đặc biệt, “Lò mổ” còn có sự kết hợp giữa văn chương và hội họa, khi đi kèm tác phẩm văn học là một bộ tranh khổ lớn mang tên “Nguyện cầu” do chính tác giả vẽ, được đánh số từ 1 đến 18. Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, bộ tranh gắn chặt với tác phẩm văn học, nó là một phần linh hồn của tác phẩm. Những bức tranh là cách ông thể hiện niềm mong mỏi của mình, rằng trong thế giới đầy rẫy sự hủy hoại, con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình. Ông mong người đọc xem tranh cảm nhận được những suy tư mà ông gửi gắm trong mỗi tác phẩm và cùng với đó, đem tới những cảm nhận mới mẻ về nghệ thuật.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại buổi ra mắt tập trường ca “Lò mổ”.
2. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, việc đổi mới luôn canh cánh đối với mỗi người viết, nhất là trong bối cảnh đời sống đương đại đang biến đổi như bão lốc hiện nay. Mặc dù việc đổi mới đã được các nhà thơ “vật vã” mấy chục năm nay, mà Nguyễn Đình Thi với thơ không vần hay Văn Cao… là những đại diện đầu tiên. Và sau này, khi khuynh hướng đổi mới đã “toàn thắng” trên phạm vi toàn quốc thì Nguyễn Quang Thiều cùng một số đồng môn chính là người góp phần cho sự “toàn thắng” đó.
“Nhưng Nguyễn Quang Thiều hoàn toàn khác với Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra một trường thẩm mỹ mới, trong đó bao gồm cả ngôn ngữ, bao gồm cả cấu trúc, bao gồm cả tư duy thơ”, nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá.
Ông Khoa cho rằng, quá trình đổi mới của thơ Nguyễn Quang Thiều bắt đầu từ “Sự mất ngủ của lửa”, rõ ràng hơn qua “Cây ánh sáng” và đến “Lò mổ” thì đã đạt “đỉnh cao”.
“Đọc “Lò mổ” ta có cảm giác như phát sốt lên, cảm giác như ta ở trong một cơn mê sảng và đôi lúc ta ngập ngụa trong ruồi, không biết ta hóa ruồi hay ruồi hóa ta. Đó chính là thông điệp, là lời cảnh báo con người trước cái ác. Chúng ta đang chiến đấu chống lại cái ác nhưng cái ác vẫn đang còn đó”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Đồng quan điểm, nhà thơ Mai Văn Phấn cũng cho rằng, “Lò mổ” cho thấy Nguyễn Quang Thiều tiếp tục con đường cách tân, đổi mới thi ca mà ông đã theo đuổi từ những bài thơ đầu tiên.

“Lò mổ” được phát hành dưới dạng sách bìa cứng, đi kèm một bộ 18 postcard in màu đặc biệt, tái hiện 18 bức tranh trong bộ “Nguyện cầu”.
Theo ông Phấn, sau năm 1986, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện trào lưu cách tân thơ, trong đó có ba gương mặt đáng chú ý là Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh và Nguyễn Lương Ngọc. Khác với các nhà thơ “truyền thống” xây dựng không gian nghệ thuật theo lối tuyến tính của hình học phẳng, các nhà thơ cách tân xây dựng không gian nghệ thuật theo hướng đa chiều.
Nguyễn Quang Thiều, ngay từ tập thơ đầu tiên “Ngôi nhà tuổi 17” và rõ nét nhất là “Sự mất ngủ của lửa” đã định hình một không gian nghệ thuật mới, đa chiều, đa điểm nhìn. Hơn thế, thơ ông khác biệt với những nhà thơ cùng thế hệ là có sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng. Sự tương phản này đã làm nên thi pháp, làm nên bản sắc và phong cách Nguyễn Quang Thiều.
“Trong một thời gian dài, Nguyễn Quang Thiều trung thành với thi pháp này. Và so với các trường ca hoặc các liên khúc kết cấu theo kiểu trường ca mà ông viết trước đây, “Lò mổ” cho thấy sự tầm vóc nhất, quy tụ tất cả những tư tưởng, cảm xúc cũng như hình thẩm mỹ theo quan điểm của Nguyễn Quang Thiều. “Lò mổ” đặt ra một câu hỏi lớn rằng: Liệu đời sống chúng ta đang sống đây có phải là đời sống không?”, ông Phấn phân tích.
Nhà thơ Mai Văn Phấn nhấn mạnh rằng, để trả lời câu hỏi này, Nguyễn Quang Thiều đã bày đặt, kiến tạo một thế giới đa chiều, đa điểm nhìn. Bằng cách này, tác giả khai mở cho mỗi độc giả một tầm nhìn, được thấy rõ thời đại mình, thấy các thế giới và nhiều không gian khác nữa. Và do vậy, mỗi người đọc sẽ nghe, sẽ tìm một “lối vào” khác nhau, sẽ đồng sáng tạo cùng với tác giả.
3. Nguyễn Quang Thiều cho biết, “Lò mổ” được ông hoàn thành vào năm 2016, nhưng ý tưởng đã bắt đầu từ rất lâu, khi ông còn rất trẻ, khi một lần cùng cha ghé qua lò mổ ở ngoại ô Hà Đông. Tiếp xúc với không gian u ám, tàn khốc và cảm nhận nỗi sợ hãi của những con vật ở đó đã thôi thúc ông viết nên trường ca này, như một cách đối diện với những trăn trở về sự sống và cái chết.
“Và trong cơn ác mộng của mình, tôi lại bước vào lò mổ một lần nữa. Lần này tôi nhìn thấy những con bò xếp hàng, trò chuyện và bước tới để nhận cái chết, tôi nghe thấy tiếng những con bò rống vang khi bị chọc tiết, tôi nhìn thấy máu chảy xối xả, tôi nghe tiếng bầy ruồi đồng ca, tôi nhìn thấy linh hồn những con bò bay qua ô cửa sổ lò mổ về phía cánh đồng trên cao. Có gì đó đau đớn, bi thương, kỳ vĩ xuất hiện. Rồi tôi nhận ra đó là thi ca”, tác giả “Lò mổ” chia sẻ.

Một tác phẩm trong bộ tranh “Nguyện cầu” 18 bức của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Theo nhà văn Phạm Lưu Vũ, “Lò mổ” khó đọc và nói chung thơ Nguyễn Quang Thiều đều khó đọc vì tác giả là người cả nghĩ, cả nghĩ như một triết gia. Đã thế, trường ca bắt đầu bằng một cái tên chả thi vị tẹo nào, nếu không nói là kỳ quái, đáng sợ nên càng khó đọc nếu độc giả không ra khỏi tư duy truyền thống. “Lò mổ” thách thức mọi độc giả, mọi nhà phê bình từ vỉa hè, chợ búa đến kinh viện, thách thức cả những “hảo hán” yêu thơ ầm ĩ lắm mồm… Nhưng chính “Lò mổ” khiến ông phải định nghĩa lại khái niệm “trường ca”.
Một số nhà thơ cũng nhận định, “Lò mổ” thực sự là một “tuyệt bút” trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Quang Thiều. Cái đẹp đòi hỏi mỗi người phải tự tạo ra một lối đi riêng cho mình để tìm đến nó, nhận ra nó. Và với trường ca “Lò mổ”, Nguyễn Quang Thiều đã tự tạo ra một con đường độc đáo chưa có tiền lệ, đó là tìm cái đẹp thuần khiết nhất trong cái chết của những con bò nơi lò mổ.