Ai mua ảnh?

Thị trường nhiếp ảnh ở Việt Nam đã hình thành, dẫu còn nhỏ lẻ, manh mún. Phần lớn các nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ không sống bằng tiền bán tác phẩm, mà buộc phải làm thêm các công việc khác liên quan tới nhiếp ảnh để nuôi đam mê.

Một bức ảnh trong bộ “9-Paris” của nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc.

Một bức ảnh trong bộ “9-Paris” của nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc.

Đi tìm mạng lưới mua bán ảnh

Sáng tác ảnh ở Việt Nam là một câu chuyện có phần khó hiểu khi tác phẩm chỉ để trưng bày, đăng tạp chí, đăng báo với thù lao rất khiêm tốn thay vì được bán mua theo thang bậc giá cả của thị trường.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, người nổi tiếng với các bức ảnh lưu giữ về Hà Nội một thời đã qua, chia sẻ, ông không tìm thấy mạng lưới bán ảnh ở Việt Nam nên ảnh của ông chỉ để... chơi cho vui. Ông cũng nói, lý do ông không bán được ảnh có thể còn vì ảnh của ông “quá duy mỹ”, khó tìm thấy sự đồng cảm từ những người mua ảnh.

Ông Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam, chưa hình thành thói quen mua bán tác phẩm ảnh. Bên cạnh đó là nạn xâm phạm bản quyền tràn lan khiến cho thị trường nhiếp ảnh Việt Nam tuy mới le lói hình thành nhưng đã bị “giội gáo nước lạnh”.

Không ít ý kiến cho rằng, do nhiếp ảnh là phiên bản nên rất khó khăn trong việc mua bán. Tuy vậy, theo nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc, tính phiên bản chỉ là một yếu tố. Phần còn lại là do nhận thức về nghệ thuật của người thưởng ngoạn. Nghệ thuật luôn bao gồm ba phần: Tư tưởng (thông điệp), thẩm mỹ và kỹ thuật. Phần lớn mọi người vẫn mặc định rằng, các tác phẩm nhiếp ảnh dễ thực hiện nên khó định giá cao. Nhưng sự thật không phải như thế. Thứ nhất, về mặt thao tác kỹ thuật, việc tạo ra một bức ảnh hoàn toàn không đơn giản, dễ dàng như mọi người nghĩ, “chỉ cần giơ máy lên là có ảnh”. Thứ hai, khi thưởng thức hoặc mua một tác phẩm nghệ thuật, ta không chỉ thưởng thức, sở hữu cái mà chúng ta thấy, mà còn bao gồm cảm xúc, trí tưởng tượng, tầm nhìn… của nghệ sĩ/tác giả trong quá trình tạo ra tác phẩm. Cuối cùng, nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc tin rằng, tác phẩm có giao dịch mua-bán thường có chất lượng nghệ thuật xứng đáng.

Tầm nhìn xa tới đâu, làm tới đó

Phạm Tuấn Ngọc đã bán được nhiều bộ ảnh, như bộ tác phẩm ảnh đen trắng được in tráng thủ công “9-Paris”, bộ tác phẩm sử dụng kỹ thuật in ảnh với chất liệu nhạy sáng của nhiếp ảnh thủ công lumen printing “Chloris”, bộ tác phẩm ảnh in đơn sắc cyanotype trên lụa “Eternal Flow”. Bên cạnh đó, không ít tác phẩm đơn lẻ của anh, được tạo ra nhờ kỹ thuật in thủ công rất hiếm tại Việt Nam, đều lọt vào biệt nhãn của các nhà sưu tập.

Tay máy trẻ Nguyễn Thành Dũng, một người có những thử nghiệm đột phá với nhiếp ảnh đường phố với triển lãm cá nhân đầu tiên nhan đề “Kaleidoscopic vision”, được người trong nghề ghi nhận là thành công cả về mặt danh tiếng lẫn thương mại; nhiều chấm đỏ (dấu hiệu tác phẩm được mua) được gắn bên dưới các tác phẩm trưng bày trong triển lãm.

Theo chia sẻ của các nhà sưu tầm, họ mua tác phẩm ảnh của hai tay máy nói trên trước hết là vì thấy đẹp, sau đó là vì có đồng cảm với nghệ sĩ. Có thể nói, số lượng nhiếp ảnh gia bán được tác phẩm, dù chỉ tương đương đếm trên đầu ngón tay, nhưng vẫn minh chứng rõ nét cho khẳng định: chất lượng tác phẩm mới là điều khiến các nhà sưu tầm xuống tay.

Không chờ thị trường trong nước, một số nhiếp ảnh gia Việt Nam còn nỗ lực chủ động tham gia mạng lưới thị trường nhiếp ảnh quốc tế, tạo tài khoản trên các trang thương mại điện tử của gallery nước ngoài. Nhưng thực tế cho thấy, mức giá cũng như tần suất giao dịch khá khiêm tốn so mặt bằng chung. Đơn cử, trên trang thương mại điện tử khá phổ biến là Saachi Art (www.saachiart.com), nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở Việt Nam là Trần Việt Văn có 50 đơn vị tác phẩm đăng tải để bán, với mức giá bản in giới hạn trong số lượng tối đa 25 bản xê dịch từ 40 đến 94 USD, hoặc giá bán bản duy nhất thường dưới 500 USD. Trong khi đó, nhiều nhiếp ảnh gia khác có thể có mức giá hơn 10.000 USD cho một trong ba phiên bản giới hạn, như Trần Việt Hà, nhiếp ảnh gia gốc Việt định cư tại Tây Ban Nha.

Để thúc đẩy thị trường nhiếp ảnh Việt Nam, cách đây chừng 10 năm, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã từng xây dựng một trang thương mại điện tử để giới thiệu và mua bán tác phẩm. Tuy nhiên, việc này sớm thất bại bởi vấn đề bản quyền ảnh bị xâm hại, các tác giả không đủ tin tưởng để gửi đứa con tinh thần lên website. Sau nhiều năm tạm dừng, hiện nay, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã khởi động lại website này và đang khẩn trương hoàn tất những công đoạn cuối. Sau khi chính thức được vận hành, website này sẽ đem lại thêm cơ hội cho các nhà nhiếp ảnh Việt Nam thực hiện giao dịch thương mại không chỉ ở trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Được biết, Hội vẫn đang chờ giấy phép để đưa website vào hoạt động.

Theo nhandan.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/ai-mua-anh-1034912/