'Cuộc đua' giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi: Nỗ lực tăng tốc

Bước đi ngoại giao đầu tiên của chính quyền ông Donald Trump với châu Phi có thể khiến 'cuộc đua' giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực này dần nóng lên.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp năm nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington D.C. (Nguồn: APANews)

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp năm nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington D.C. (Nguồn: APANews)

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lãnh đạo các nước Gabon, Guinea-Bissau, Liberia, Mauritania và Senegal dùng bữa trưa và thảo luận song phương từ ngày 9-11/7 tại Washington D.C.

Xứ cờ hoa khẳng định mong muốn xây dựng, củng cố quan hệ đối tác tập trung vào hợp tác thương mại, thúc đẩy đầu tư và khai thác khoáng sản then chốt. Tuy nhiên, không khó để thấy cuộc gặp lần này rõ ràng không chỉ về kinh tế.

Tái định hình

Cụ thể, trong phân tích của tác giả Landry Signe thuộc Viện Brookings tại Washington D.C., Mỹ cho rằng sự kiện này phản ánh chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump với bốn mục tiêu lớn là thịnh vượng, sức mạnh, hòa bình và an ninh, nguyên tắc.

Trong đó, thịnh vượng và sức mạnh đang được ưu tiên và có thể bổ trợ cho nhau, với lợi ích về kinh tế thường gắn kèm với yếu tố địa chính trị. Thông qua tăng cường tiếp cận tài nguyên, đẩy mạnh đầu tư và thương mại, Washington kỳ vọng mở rộng ảnh hưởng, củng cố liên minh và hạn chế sức ảnh hưởng của các đối thủ, nhất là trong bối cảnh đang “hụt hơi” trước Bắc Kinh tại châu Phi.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và có vị thế đặc biệt với cả năm quốc gia được mời đến Nhà Trắng. Đơn cử, Gabon cấp tới 22% lượng mangan nhập khẩu của Trung Quốc và đã ký thỏa thuận song phương trị giá 4,3 tỷ USD năm ngoái. Đây không phải trường hợp đơn lẻ. Năm 2023, 52/54 quốc gia châu Phi, chiếm 97%, có kim ngạch thương mại với Trung Quốc vượt xa Mỹ.

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp tới được kỳ vọng thúc đẩy thương mại, đầu tư và tái định hình sự hiện diện của Mỹ tại châu Phi. Tổng thống Donald Trump đã tiếp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tháng Năm, gặp lãnh đạo một số nước Tây Phi và Trung Phi vào tháng Bảy, sớm đón lãnh đạo Congo, Rwanda và có thể dự Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Phi tháng Chín tới, thể hiện rõ về “ngoại giao thương mại” với châu Phi.

Hai đích đến

Điều này có thể hiểu được khi các khách mời đến từ Tây Phi và Trung Phi đều sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, có vai trò then chốt trong nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao của chính quyền ông Donald Trump. Gabon là nhà sản xuất mangan lớn thứ hai thế giới, nguyên liệu then chốt được sử dụng trong thép không rỉ và pin.

Vừa qua, Tổng thống Brice Oligui Nguema đã công bố lệnh cấm xuất khẩu mangan tới năm 2029 nhằm củng cố và phát triển chuỗi giá trị trong nước dưới hình thức đối tác công-tư. Quốc gia này còn nổi tiếng với quặng sắt, đồng, vàng và kim cương.

Trong khi đó, Guinea-Bissau có một trong những ngư trường dồi dào nhất thế giới, cùng trữ lượng vàng, kim cương, bô xít, đá phosphate, đá vôi, đất và cát xây dựng. Liberia là nơi tọa lạc của nhiều mỏ vàng, kim cương, sắt, lithium, cobalt, mangan và neodymium. Tương tự là Mauritania cùng Senegal.

Không chỉ có vậy, cả năm quốc gia đều có vị trí địa chiến lược quan trọng cùng vị thế chính trị đặc biệt. Theo Foreign Military Studies Office (Mỹ), Gabon có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và dự kiến có thể để Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự tại đây.

Nếu thành hiện thực, đây sẽ là căn cứ quân sự thứ hai của Trung Quốc ở châu Phi và đầu tiên tại Tây Phi. Trong khi đó, Guinea-Bissau duy trì quan hệ gần gũi với cả Nga và Trung Quốc, với Tổng thống Umaro Sissoco Embaló đã thăm Moscow vào tháng Hai để thảo luận về nâng cấp quan hệ, trong đó hợp tác về huấn luyện quân sự là điểm sáng. Liberia từng là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Phi.

Một mối quan hệ tốt với người cũ sẽ giúp xứ cờ hoa khai phá tiềm năng đầu tư hợp tác khoáng sản, trị giá có thể lên tới 3 tỷ USD, tạo thêm một “mỏ neo” tin cậy ở khu vực này.

Tương tự, tăng cường hợp tác với Mauritania và Senegal, quốc gia có một trong những nền dân chủ ổn định nhất ở châu Phi với tiếng nói đáng kể trong khu vực, sẽ mở rộng sự hiện diện chiến lược của Mỹ, góp phần cân bằng với tầm ảnh hưởng lớn của Nga và Trung Quốc tại đây.

Cả năm quốc gia được mời đều sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị thế chiến lược ở khu vực. Trong bối cảnh đó, chính quyền Mỹ đang xây dựng chính sách về châu Phi xoay quanh ngoại giao thương mại, với thịnh vượng và sức mạnh là động lực chính, trong khi hòa bình và an ninh, nguyên tắc đóng vai trò hỗ trợ.

Cuộc gặp tại Washington D.C vừa là cột mốc, vừa là bài kiểm tra không dễ dàng với Nhà Trắng trong triển khai các định hướng chính sách được vạch ra, để nỗ lực “vượt mặt” Trung Quốc và Nga trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-dua-giua-my-va-trung-quoc-tai-chau-phi-no-luc-tang-toc-320543.html