Philippines quyết dẹp trò đá gà ăn tiền trực tuyến
Sau khi xóa sổ các trung tâm cờ bạc trực tuyến (POGO), Philippines đang thúc đẩy luật hóa việc cấm cửa hoạt động đá gà ăn tiền online, hay còn gọi là e-sabong. Nỗ lực này càng trở nên cần thiết sau khi cảnh sát Philippines mới phát giác một vụ sát hại hàng chục người chơi e-sabong rồi ném xác phi tang xuống một hồ nước trên đảo Luzon.
Từ POGO đến e-sabong
Cuối năm 2024, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ban hành lệnh cấm đối với các Trung tâm Đào tạo và Vận hành Cờ bạc Trực tuyến Philippines (POGO), yêu cầu tất cả các hoạt động POGO có giấy phép ở quốc gia này phải ngừng hoàn toàn vào ngày 31/12/2024. Với hoạt động trấn áp của những cơ quan thực thi pháp luật, Philippines đã đóng cửa khoảng 400 trung tâm POGO có giấy phép, bao gồm cơ sở lớn nhất đất nước tại thành phố Kawit, tỉnh Cavite, nơi có khoảng 30.000 nhân viên.

Đá gà, được gọi là sabong tại Philippines, là một truyền thống văn hóa ra đời từ hàng trăm năm trước, ăn sâu vào đời sống xã hội của người dân.
Dù nhà chức trách cho biết vẫn còn hàng nghìn nhân viên trong lĩnh vực POGO đang lẩn trốn ở những cơ sở bất hợp pháp song về cơ bản, hoạt động cờ bạc online đã không còn đất sống tại Philippines. Tuy nhiên, còn một tệ nạn nhức nhối nữa, vốn gắn liền với môn thể thao “quốc dân” của đất nước này là đá gà, cũng đang bị chính phủ Philippines mạnh tay xử lý.
Đá gà, được gọi là sabong tại Philippines, là một truyền thống văn hóa ra đời từ hàng trăm năm trước, ăn sâu vào đời sống xã hội của người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Sabong không chỉ là một trò giải trí mà còn mang ý nghĩa văn hóa, biểu tượng cho tinh thần cạnh tranh, sự kiêu hãnh và bản sắc cộng đồng. Các trận đấu thường được tổ chức tại những trường đá gà (cockpit) với quy mô lớn, như giải World Slasher Cup tại Manila, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Trong lịch sử, sabong được hợp pháp hóa tại Philippines và được quản lý chặt chẽ bởi chính phủ, với các trường gà có giấy phép và chịu thuế. Nhưng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người Philippines chuyển đổi từ đá gà truyền thống sang đá gà trực tuyến (e-sabong). Các quy định giãn cách xã hội và lệnh cấm tụ tập đông người đã khiến các trường đấu truyền thống phải đóng cửa, tạo ra một khoảng trống lớn cho hình thức trực tuyến.
Chính phủ Philippines, dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, đã cấp phép cho một số công ty vận hành e-sabong để duy trì hoạt động kinh tế và đáp ứng nhu cầu giải trí. Sự phát triển của công nghệ và internet cũng góp phần vào sự phổ biến của e-sabong, bởi nó cho phép người chơi tham gia đặt cược mọi lúc mọi nơi thông qua điện thoại thông minh và máy tính. E-sabong thu hút hàng nghìn trận đấu mỗi ngày và các giải đấu lớn như World Pitmasters Cup được phát trực tuyến toàn cầu, mở rộng đối tượng người chơi ra ngoài Philippines.

Những trường đá gà mọc lên khắp đất nước, được chính phủ Philippines cấp phép và hoạt động như các công ty, đem lại nguồn thuế đáng kể.
Với hàng triệu USD tiền cược mỗi tuần, e-sabong tại Philippines tạo ra doanh thu mỗi năm hơn 13 tỷ USD và đóng góp khoảng 12 triệu USD tiền thuế mỗi tháng. Thế nhưng, hệ lụy của e-sabong còn lớn hơn. Do dễ tiếp cận, trò đá gà ăn tiền trực tuyến khiến quá nhiều người rơi vào tình trạng nghiện ngập, khuynh gia bại sản. Ngoài ra, e-sabong cũng làm gia tăng các hoạt động phạm pháp “ăn theo” như bắt cóc, tống tiền, cho vay nặng lãi, trộm cắp và thậm chí là giết người.
Nghi án giết người gây chấn động Philippines
Tuần trước, cảnh sát Philippines vừa phát hiện một manh mối quan trọng hàng chục vụ mất tích có liên quan đến e-sabong. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 1/2022, ít nhất 34 người tham gia hoặc liên quan đến các hoạt động e-sabong, đã biến mất một cách bí ẩn tại các khu vực thuộc đảo Luzon, đặc biệt ở các tỉnh Laguna (19 người), Manila, Batangas, Bulacan, và Rizal. Những người này bao gồm người chơi, nhân viên trường gà, và các đại lý cá cược trực tuyến.

Đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện cho hoạt động đá gà trực tuyến (e-sabong) nảy nở và bùng phát tại Philippines.
Các vụ mất tích có những điểm tương đồng, như nạn nhân bị bắt cóc bởi các nhóm người có vũ trang, một số tự xưng là nhân viên thực thi pháp luật, và thường diễn ra sau các sự kiện liên quan đến e-sabong. Một số nguồn cho rằng các nạn nhân bị cáo buộc gian lận trận đấu hoặc sao chép tài khoản dẫn đến xung đột với các nhà điều hành e-sabong hoặc các băng nhóm tội phạm.
Đến tháng 2/2023, cảnh sát Philippines thông báo rằng họ đang nhắm đến một nhóm duy nhất đứng sau tất cả các vụ mất tích, với động cơ được cho là nhằm trấn áp những người liên quan đến gian lận trận đấu trong thời kỳ cao điểm của e-sabong. Họ cũng công bố ảnh và thông tin của sáu nhân viên an ninh tại nhà thi đấu Manila Arena, được cho là nắm giữ thông tin quan trọng về kẻ chủ mưu.
Thế nhưng, vụ việc sau đó vẫn tiến triển khá chậm chạp cho tới tận tháng 6 vừa qua, khi một nhân chứng, sau này được xác định là Julie “Dondon” Patidongan, cựu ứng viên thị trưởng thành phố Barobo (tỉnh Surigao del Sur) xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố biết vị trí chính xác nơi các thi thể của 34 (hoặc hơn) nạn nhân bị phi tang. Đó là hồ Taal, một hồ núi lửa cách Manila khoảng 50 km. Patidongan cho biết các nạn nhân bị bóp cổ đến chết và bị ném xuống hồ, với con số thực tế có thể lên đến 100 người.
Ngày 26/6/2025, Bộ trưởng Tư pháp Philippines, ông Jesus Crispin Remulla thông báo rằng các cuộc điều tra phức tạp đang nhắm đến một nhóm quyền lực bị nghi ngờ đứng sau các vụ giết người, với sự liên quan của một số quan chức chính phủ và cảnh sát. Phát biểu với tờ Manila Times, ông Remulla tiết lộ rằng nhân chứng Patidongan đã cung cấp bản khai có tuyên thệ nêu tên kẻ chủ mưu, người được cho là từng khoe khoang có thể thao túng cả Tòa án Tối cao. Nhân vật này sau đó được báo chí Philippines xác định là Charlie “Atong” Ang, một trùm cờ bạc chủ sở hữu công ty Lucky 8 Star Quest, đơn vị điều hành một nền tảng trực tuyến chuyên livestream các trận đấu e-sabong có tên Pitmasters Live.
Hiện tại, Charlie “Atong” Ang vẫn phủ nhận mọi cáo buộc và kiện ngược Patidongan vì cho rằng ông này vu khống. Nhưng Bộ trưởng Tư pháp Jesus Crispin Remulla hôm 4/7 cho biết, hiện đã có thêm nhiều nhân chứng có thể “làm chứng về nơi những người mất tích bị ném (xuống nước)”, trong khi một nhóm gồm 15 cảnh sát đang bị điều tra do nghi ngờ đã thực hiện các vụ hành quyết nạn nhân.
Ngoài ra, nhà chức trách Philippines cũng đang đề nghị Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật để giúp tìm kiếm các thi thể dưới hàng chục mét nước của hồ Taal. “Tôi vừa ký thư gửi chính phủ Nhật Bản, đề nghị giúp lập bản đồ đáy hồ Taal và hỗ trợ những công nghệ cần thiết khác. Chúng ta phải có cách tiếp cận khoa học, không thể để mọi thứ tùy thuộc vào may rủi”, Bộ trưởng Crispin Remulla tiết lộ.
Quyết dẹp bỏ e-sabong
Các cuộc điều tra hiện vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng song những diễn biến mới nhất liên quan đến vụ việc này đã khuấy lại làn sóng chỉ trích e-sabong trong dư luận Philippines. Nhiều bài viết trên mạng xã hội X và những tờ báo lớn như Philstar, Rappler hay Manila Times đều có những bài viết phê phán rằng e-sabong đã thúc đẩy mặt tối của “môn thể thao quốc dân” chọi gà, đồng thời kêu gọi thực thi nghiêm khắc lệnh cấm các hoạt động đá gà ăn tiền trực tuyến này.
Lệnh cấm e-sabong ban đầu được cựu Tổng thống Rodrigo Duterte ban hành vào năm 2022 trước trước sức ép từ dư luận và các nhà lập pháp. Nhưng sự lỏng lẻo về mặt kỹ thuật khiến sắc lệnh này chưa bao giờ được thực thi hiệu quả. Đến tháng 12/2022, người kế nhiệm ông Duterte là Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã ban hành Sắc lệnh Hành pháp số 9 (EO No.9) để chính thức hóa và tiếp tục lệnh cấm e-sabong mà ông Duterte đã khởi xướng.

Hàng chục người có liên quan đến e-sabong đã bị sát hại và vứt xác xuống một hồ núi lửa để phi tang.
Sắc lệnh của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr làm rõ phạm vi cấm bao gồm việc phát trực tiếp hoặc truyền hình các trận đá gà ngoài các trường gà được cấp phép, cũng như cấm cá cược trực tuyến, từ xa, hoặc ngoài trường gà trên các trận đấu được phát trực tiếp. Điều này nhằm đóng các lỗ hổng pháp lý mà các nhà điều hành bất hợp pháp lợi dụng. Sắc lệnh EO No.9 cũng tăng cường thực thi khi nhấn mạnh “nhu cầu cấp bách” để trấn áp các hoạt động e-sabong bất hợp pháp, yêu cầu các cơ quan như cảnh sát quốc gia, Tổng công ty giải trí và trò chơi Philippines (PAGCOR) và Bộ Nội vụ nước này tăng cường giám sát và xử lý các vi phạm.
Sắc lệnh này - cùng với việc ông Ferdinand Marcos Jr hồi vào tháng 7/2024 ban hành lệnh cấm POGO với lý do các hoạt động này là “bình phong” cho tội phạm có tổ chức, như lừa đảo, bắt cóc, và rửa tiền - đã thúc đẩy các nhà lập pháp Philippines xem xét lại e-sabong vì cả hai đều sử dụng công nghệ trực tuyến để che giấu hoạt động bất hợp pháp. Và hôm 6/6 vừa qua, một dự luật nhằm cấm hoàn toàn e-sabong đã được Hạ viện Philippines thông qua với tỷ lệ nhất trí áp đảo: 162 phiếu thuận - 2 phiếu chống.
Theo dự luật này, tất cả các giấy phép và giấy chứng nhận cho các nhà điều hành e-sabong do PAGCOR cấp sẽ bị coi là không hợp lệ và Philippines sẽ không cấp thêm giấy phép hoặc giấy chứng nhận nào cho các hoạt động đá gà trực tuyến. Những người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 1 đến 20 năm, hoặc phạt tiền ít nhất 500.000 peso, hoặc cả hai tùy theo quyết định của tòa án. Nếu người vi phạm là viên chức nhà nước, người đó cũng sẽ bị cách chức và bị tước quyền giữ chức vụ công vĩnh viễn.
Theo hiến pháp Philippines, dự luật này còn phải chờ Thượng viện thông qua mới có thể ban hành. Nhưng đây là một tiến trình gần như chắc chắn sẽ xảy ra, do dư luận Philippines đang rất ủng hộ. Với người dân đất nước Đông Nam Á này, đá gà là di sản văn hóa cần bảo tồn, song không thể để tội phạm biến “môn thể thao quốc dân” của Philippines thành công cụ kiếm tiền trên không gian mạng, dẫn tới bùng phát quá nhiều bi kịch xã hội và những cái chết như của hàng chục nạn nhân đang nằm dưới đáy hồ Taal.