Cuộc đua khốc liệt vào lớp 10 trường chuyên
Hôm nay (5/6), đợt tuyển sinh đầu tiên vào lớp 10 các trường THPT chuyên Hà Nội kết thúc. Đợt tuyển sinh này có 4 trường THPT chuyên trong đó 3 trường của ĐH Quốc gia Hà Nội, 1 trường của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thi trường nào, học thêm trường đó
Trong 2 ngày con dự thi tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhóm phụ huynh gồm 8 người ở Long Biên, Hà Nội đã tổ chức thuê nhà nghỉ trên đường Nguyễn Tuân cho con nghỉ trưa. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhân cho biết, con chị và các bạn không học cùng trường THCS nhưng lại chơi với nhau.
Năm lớp 8, một số bạn trong nhóm có ý định dự thi vào Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã nhờ phụ huynh tìm lớp học thêm rồi rủ các bạn còn lại trong nhóm cùng tham gia. Lớp học nằm trên đường Nguyễn Tuân, do một giáo viên của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên mở.
Mỗi tuần học trọn một ngày Chủ nhật, 8 cậu học sinh đi xe buýt đến lớp học của thầy, buổi trưa có người phục vụ ăn trưa. Lớp học thêm cũng có các bạn ở ngoại tỉnh về học.
Đằng đẵng 2 năm, đến hôm nay chị Nhân đã thấy giảm được một nửa gánh nặng vì phía trước chỉ còn đợt thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Chị Hoàng Phương Thúy ở Cầu Giấy, Hà Nội có con dự thi vào lớp chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên cho biết ngày 1/6, con đã dự thi vào Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Trước đó, chị Thúy đã tìm hai lớp học thêm do các thầy cô của 2 trường tổ chức.
Kỳ thi tuyển sinh vào trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay cùng diễn ra trong 2 ngày 4 - 5/6 với số lượng hơn 4.500 thí sinh.
Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên năm 2023 là gần 3.000, giảm nhẹ so với năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ chọi cao nhất là lớp chuyên Tin, 1/9,9 với 894 hồ sơ cho 90 chỉ tiêu. Xếp thứ hai là khối chuyên Toán với 630 hồ sơ, tỷ lệ chọi là 1/7. Khối chuyên Sinh học có tỷ lệ chọi thấp nhất 1/3,5.
“Nghị quyết 29 yêu cầu phải đổi mới thi cử theo hướng đánh giá năng lực của người học. Nhưng thực tế hiện nay, khi tổ chức thi tuyển sinh ngay tại các trường THPT chuyên, đề thi vẫn nặng về đánh giá kiến thức. Chính vì vậy mới có tình trạng học thêm, thi trường nào học thêm trường đó”.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam
Số hồ sơ đăng ký vào Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tăng nhẹ so với năm trước, với 1.579 hồ sơ đăng ký. Tỷ lệ chọi cao nhất là lớp chuyên Văn gần 1/15, lớp chuyên Sử là 1/9, lớp chuyên Địa lý là 1/8,3. Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội (tổ chức thi ngày 3/6) năm nay chứng kiến kỷ lục khi số lượng hồ sơ giảm gần 1.200 so với năm ngoái.
Chính vì vậy, tỷ lệ chọi các lớp chuyên cũng giảm đáng kể. Trong đó, cao nhất là lớp tiếng Hàn Quốc 1/8,2. Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm năm nay lại có tỷ lệ chọi cao kỷ lục khi lớp chuyên Ngữ văn và chuyên Anh 1/29 và tỷ lệ chọi chung của toàn trường là 1/19.
“Chuyến tàu vét”
Một trong những điểm mới đối với các trường THPT chuyên là Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư mới về quy chế hoạt động của trường THPT chuyên, trong đó yêu cầu không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Thông tư mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4. Tuy nhiên, việc tuyển sinh các lớp không chuyên trong trường THPT chuyên sẽ được thực hiện hết năm học 2023 - 2024.
Ở Hà Nội có 4 trường THPT chuyên trực thuộc trường ĐH năm học này đều tuyển sinh “vét” các lớp cận chuyên, chất lượng cao. Cụ thể, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội thông báo thí sinh đủ điều kiện xét tuyển lớp chất lượng cao nếu không trúng tuyển lớp chuyên, có điểm môn Văn, Toán điều kiện và môn chuyên đạt từ 2 điểm trở lên. Trường sẽ xét điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ tuyển sinh 100 chỉ tiêu hệ không chuyên. Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển 34 chỉ tiêu lớp chất lượng cao. Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên tuyển 90 học sinh hệ chất lượng cao.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT kiên quyết bỏ lớp không chuyên trong trường THPT chuyên. Theo ông Ân, đã đến lúc phải thay đổi hệ thống chuyên theo hướng ít mà thực sự chất lượng, đào tạo tài năng, không phải tính đến chuyện ngày càng “phình” ra hệ thống trường chuyên bằng cách mở thêm trường, thêm lớp cận chuyên, chất lượng cao.
Chính các lớp ngoài chuyên tại các trường THPT chuyên này làm giáo dục đại trà bị ảnh hưởng không nhỏ, tạo ra sự bất bình đẳng trong các nhà trường. Đồng thời, đây là nguyên nhân tạo điều kiện để học thêm nở rộ và khó quản lý.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuoc-dua-khoc-liet-vao-lop-10-truong-chuyen-post1540108.tpo