Cước phí vận tải biển có thể kéo lùi tăng trưởng Mỹ, Trung Quốc
Sản xuất công nghiệp sẽ giảm 0,2-1% ở các nền kinh tế lớn, nếu giá cước vận tải container tăng 10% và chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn.
Cước phí vận chuyển container tăng mạnh trên toàn cầu có thể đẩy giá tiêu dùng tăng thêm 1,5% vào năm 2023, theo một báo cáo của Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD).
Phí vận chuyển đã tăng hơn 4 lần trong thập kỷ qua và giá vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Mỹ hiện nay cao hơn 348% so với mức trung bình trước đại dịch, cơ quan của LHQ có trụ sở tại Geneva cho biết.
“Phân tích của UNCTAD cho thấy, nếu mức tăng giá vận tải container được duy trì như hiện nay, nó có thể làm tăng mức giá nhập khẩu toàn cầu lên 11% và mức giá tiêu dùng lên 1,5% từ nay đến năm 2023”, báo cáo của UNCTAD cho biết hôm 18/11.
Cơ quan của LHQ cho biết, họ không thấy dấu hiệu giá hàng hóa vận chuyển bằng container hạ nhiệt, thậm chí giá cả sẽ vẫn ở mức cao do nhu cầu không ngớt, những bất ổn từ phía nguồn cung và những lo ngại kéo dài về hiệu quả hoạt động của các cảng.
Theo quốc gia, Mỹ sẽ chứng kiến giá tiêu dùng tăng thêm 1,2%, trong khi Trung Quốc sẽ chứng kiến mức tăng 1,4%, báo cáo cho biết.
Phân tích của UNCTAD cũng cho thấy rằng, tác động của việc giá cước vận tải biển tăng cao hơn có thể ảnh hưởng nặng nề hơn đến người tiêu dùng ở các nền kinh tế nhỏ hơn, phụ thuộc vào nhập khẩu. Họ sẽ chứng kiến giá tiêu dùng tăng thêm 7,5%.
"Điều đó có nghĩa thu nhập thực tế của những người sống ở các nước đang phát triển sẽ thấp hơn 7,5% so với mức bình thường", Jan Hoffmann, người đứng đầu nhánh phụ trách hậu cần thương mại của UNCTAD, cho biết.
Theo sản phẩm, đồ điện tử, đồ nội thất và quần áo sẽ có mức tăng giá lớn nhất - ít nhất 10% trên toàn cầu - do hoạt động phân phối theo chuỗi cung ứng, UNCTAD cho biết, lưu ý rằng các container chiếm 17% tổng khối lượng thương mại đường biển.
Một số công ty đã chọn gửi các sản phẩm nhỏ hơn bằng đường hàng không do chi phí vận chuyển đường biển tăng cao. Tuy nhiên, vận chuyển đường hàng không cũng có xu hướng đắt hơn.
Chi phí vận chuyển container tăng cao cũng sẽ kéo giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn, UNCTAD cho biết.
Sản xuất công nghiệp, một động lực chính của tăng trưởng, sẽ giảm hơn 1% ở Mỹ và khu vực đồng Euro, và giảm 0,2% ở Trung Quốc, nếu giá cước vận tải container tăng 10% và chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn, theo báo cáo.
Tính đến cuối tháng 10, hơn 600 tàu container bị mắc kẹt bên ngoài các cảng trên toàn thế giới, gấp đôi mức hồi đầu năm, gã khổng lồ logistic Thụy Sĩ Kuehne + Nagel nói với CNBC.
Công ty dự báo vào cuối tháng trước rằng, tình trạng tắc nghẽn sẽ kéo dài cho đến ít nhất là tháng 2 năm sau.
Cơ quan của LHQ cho biết, điều quan trọng nhất mà các chính phủ có thể làm để cải thiện cuộc khủng hoảng vận tải biển hiện nay là đầu tư vào nỗ lực tiêm chủng toàn cầu để nhanh chóng chấm dứt đại dịch và kích thích sự phục hồi kinh tế trên diện rộng.
Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra một số đề xuất chính sách cụ thể để cải thiện môi trường vận tải biển, chẳng hạn như cải thiện cơ sở hạ tầng cảng; tập trung vào lợi thế kinh tế nhờ quy mô; giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại; cải thiện thuận lợi hóa thương mại; và tăng khả năng kết nối vận chuyển.
Cơ quan của LHQ ước tính rằng, những cải tiến đáng kể về cấu trúc đối với lĩnh vực vận tải biển có thể giảm chi phí vận tải khoảng 4% và giảm thiểu tác động của sự gián đoạn trong tương lai.
Minh Đức (Theo CNBC, Bloomberg)