Cuộc sống mới của người Khơ Mú ở Mường Lát - Bài cuối: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm không phải chuyện một sớm một chiều

Sinh năm 1990, năm nay mới 34 tuổi nhưng chị Lò Thị Thiêm (khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, Thanh Hóa) đã trở thành bà ngoại bất đắc dĩ. Nỗi buồn 'được' nhân đôi khi con gái chị vẫn chưa thể về nhà chồng. Cuộc sống vốn đã vất vả nay lại phải đèo bòng đứa cháu nhỏ khiến chị Thiêm càng thêm phần khắc khổ so với tuổi.

 Ở khu phố Đoàn Kết, không khó để bắt gặp hình ảnh những bà ngoại trẻ và người mẹ trẻ

Ở khu phố Đoàn Kết, không khó để bắt gặp hình ảnh những bà ngoại trẻ và người mẹ trẻ

35 tuổi làm bà ngoại, 35 tuổi đã lên chức ông ngoại

Càng về chiều, khi công việc trên rẫy đã kết thúc, mọi người trở về khiến không khí tại khu phố nhộn nhịp hơn hẳn buổi sáng. Tiếp tục hành trình tìm hiểu cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú ở khu phố Đoàn Kết, chúng tôi không khỏi bồn chồn khi nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ mặt còn đầy nét trong sáng đã địu trên lưng những đứa trẻ mặt mũi lấm lem, quần áo xộc xệch. Nếu nhìn qua, chắc hẳn nhiều người chỉ nghĩ là chị bế em. Nhưng buồn thay, đó lại là những bà mẹ trẻ. Thậm chí trong số họ, có người đã sinh 2 con.

Trên các sân nhà, các chị em tụ tập thành từng nhóm để trao đổi, chuyện trò. Do đã từng học hết tiểu học và một số học đến cấp THCS nên hầu hết, thế hệ trẻ người Khơ Mú ở khu phố Đoàn Kết đều có thể nói được tiếng phổ thông. Tuy nhiên, do không ý thực được hệ lụy của vấn nạn tảo hôn, nhiều em đã tìm hiểu nhau rồi phát sinh quan hệ yêu đương, sinh con sớm. Từ đó, việc học hành cũng chấm dứt và lại rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Bế trên tay đứa trẻ chỉ vừa đầy tháng ít ngày, chị Lò Thị Thiêm, 34 tuổi (khu phố Đoàn Kết), cho biết bé là cháu ngoại của chị. Bà ngoại trẻ này không giấu nổi nét buồn trên khuôn mặt khi được hỏi về chuyện gia đình. Chị kể: Năm xưa, do chưa hiểu biết nhiều và cũng thuận theo phong tục của người làng, chị lấy chồng khi mới 16 tuổi.

"Ngày ấy cuộc sống còn lạc hậu lắm, tôi nghĩ đơn giản lớn rồi thì lấy chồng thôi. Không được học hành nên hai vợ chồng chỉ làm ruộng rồi đi làm thuê làm mướn chẳng đủ ăn. Mình đã tự hứa là phải bảo con không được lấy chồng sớm, chịu khó học lấy cái chữ thì mới có cơ hội ra huyện, ra ngoài xã hội sống cuộc sống khác đi. Ấy vậy mà…" - còn chưa nói hết câu, chị Thiêm nghẹn lại không thể tiếp tục cuộc trò chuyện.

Vốn là một người tích cực tham gia các phong trào của Hội phụ nữ, chị Thiêm cũng rất có ý thức trong việc giáo dục con cái. Khi biết con có bạn trai, chị hết lời khuyên can nhưng con bé lại lấy cái chết ra để gây sức ép với bố mẹ. Chị bảo, bản thân cảm thấy bất lực khi lường trước tương lai bất hạnh của con mà không làm gì được. Tiếp tục câu chuyện, chị kể con gái đang học lớp 10 nên không thể tổ chức đám cưới hoặc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.

"Tuổi đời các cháu còn trẻ quá, việc học thì coi như là chấm dứt rồi. Hai nhà cũng chưa biết nên giải quyết như thế nào nên tạm thời tôi giữ cháu ở nhà để chăm sóc. Khi nào cháu ngoại dứt sữa thì mới tính được", chị Thiêm xót xa khi nhắc đến tương lai của con gái.

Cùng hoàn cảnh như chị Thiêm, anh Lò Văn Công (khu phố Đoàn Kết) cũng lên chức ông ngoại khi mới 35 tuổi. Có lẽ nỗi buồn ấy khó có thể nói được ra bởi một người đàn ông nên khi chúng tôi hỏi chuyện, anh chỉ cười ngượng và trả lời vỏn vẹn: "Con mình dại thì biết làm sao bây giờ".

Theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Đoàn Kết Cút Văn Dân, những năm qua, công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và bộ đội Biên phòng thực hiện rất tích cực. Đã có nhiều trưởng hợp bị xử phạt để tăng tính răn đe. So với khoảng hơn 10 năm trở về trước, tỉ lệ tảo hôn đã giảm không ít. Tuy nhiên do khu phố Đoàn Kết ở xa trung tâm, người dân sống quây quần lâu năm, ít các mối quan hệ xã hội và hiểu biết, vì vậy không ít bạn trẻ vẫn nhìn vào cuộc sống của ông bà, cha mẹ mà học theo, lại không có kiến thức về tình dục an toàn nên dẫn đến hậu quả là lập gia đình sớm.

Chị Cút Thị Hồng (27 tuổi) lấy chồng cách đây 11 năm, hiện đã sinh đến đứa con thứ 4 do áp lực có con trai nối dõi

Chị Cút Thị Hồng (27 tuổi) lấy chồng cách đây 11 năm, hiện đã sinh đến đứa con thứ 4 do áp lực có con trai nối dõi

Áp lực sinh con trai

Không chỉ tồn tại tình trạng tảo hôn, vấn đề bất bình đẳng giới cũng khiến các cơ quan, ban ngành đặc biệt quan tâm trong công tác tuyên truyền, vận động bà con Khơ Mú thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Trong truyền thống của người Khơ Mú, người cậu có một vai trò rất lớn trong gia đình. Vì vậy, việc phải có con trai khiến không ít gia đình ở khu phố Đoàn Kết sinh con thứ 3, thậm chí là thứ tư hoặc hơn thế, chỉ để có được một "quý tử". Trở lại ngôi nhà của chị Cút Thị Hồng (khu phố Đoàn Kết), chúng tôi có thời gian để lắng nghe tâm sự của chị nhiều hơn.

Được biết sau khi đã sinh 3 cô con gái, dù không muốn tiếp tục sinh thêm nhưng trước áp lực của gia đình, họ tộc, đến năm thứ 9 của cuộc hôn nhân, chị tiếp tục phải mang thai lần thứ tư và sinh được một cậu con trai theo đúng nguyện vọng. "May quá, không phải đẻ nữa rồi!" - một câu nói ngắn gọn nhưng đầy chua chát mà có lẽ chỉ những người phụ nữ đã trải qua lằn ranh sinh tử trên bàn đẻ mới có thể thấm thía và cảm thông được.

Với những quan niệm còn cổ hủ như vậy, vai trò của những người phụ nữ trong các gia đình Khơ Mú cũng không được coi trọng. Đưa chúng tôi đến thăm nhà ông Cút Văn Ơn (khu phố Đoàn Kết), Thượng úy Lê Anh Công - cán bộ Tổ công tác đóng tại khu phố Đoàn Kết, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn - cho biết, gia đình ông Ơn thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên điều đáng buồn là người đàn ông này thường trong tình trạng say xỉn, dù đã được các cán bộ Biên phòng và tổ dân phố đến vận động thường xuyên nhưng tình trạng này vẫn không cải thiện nhiều.

Thượng úy Lê Anh Công, cán bộ Tổ công tác đóng tại khu phố Đoàn Kết, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, tận tình hướng dẫn ông Cút Văn Ơn đưa vợ đi bệnh viện (ảnh trái). Kế bên là người vợ đau ốm đã 2 ngày không ăn gì (ảnh phải)

Bước vào căn nhà sàn cũ, trước mắt chúng tôi là hình ảnh người đàn ông đang ngồi nói chuyện một mình và kế bên là người vợ đang nằm, nét mặt đau đớn, mồ hôi túa ra thành dòng. Được sự giới thiệu của Thượng úy Lê Anh Công, người vợ nói không sõi tiếng phổ thông chỉ thều thào đã đau bụng suốt 2 ngày không ăn gì được mà chồng bà nhất định không đưa đến bệnh viện. Đáp lại những lời khuyên và hướng dẫn của chúng tôi về thủ tục nhập viện, ông Cút Văn Ơn chỉ nhắc đi nhắc lại: "ở nhà, biết gì đâu mà đi bệnh viện". Liên hệ với cậu con trai đang đi làm thuê ngoài thị trấn, cậu cho biết sẽ trở về khi xong việc và đưa mẹ đi khám sau.

Là một trong những địa phương trọng điểm thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát Hà Thị Nhơn cho biết Dự án đã triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn huyện. Ngay tại khu phố Đoàn Kết, mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" cũng đã được thành lập và tích cực trong việc vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, tuyên truyền thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, với một dân tộc có truyền thống lâu đời như Khơ Mú, để có thể thay đổi không phải chuyện một sớm một chiều mà cần sự vào cuộc rất quyết liệt của các cơ quan, tổ chức và chính ý thức muốn thay đổi của người dân.

Rời khu phố Đoàn Kết khi ánh hoàng hôn đã buông xuống, mỗi người trong chúng tôi lại có những suy tư riêng về cuộc sống và số phận của những người phụ nữ, trẻ em gái Khơ Mú ở đây. Mặc dù cuộc sống của người dân về cơ bản đã được hỗ trợ và tạo điều kiện rất nhiều về chính sách, cơ sở vật chất, song để người dân có thể bắt nhịp với sự thay đổi của xã hội, đi vào cải thiện các vấn đề một cách thực chất thì các cấp, các ngành vẫn cần chú trọng vào công tác giáo dục, tuyên truyền, thậm chí là cầm tay chỉ việc nhưng vẫn cần khéo léo trong việc dung hòa giữa văn hóa truyền thống và khuyến khích thay đổi để người dân thay đổi từ chính nhận thức. Từ đó, cuộc sống mới có thể phát triển một cách bền vững

Phóng sự của An Nhi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cuoc-song-moi-cua-nguoi-kho-mu-o-muong-lat-bai-cuoi-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-khong-phai-chuyen-mot-som-mot-chieu-202405231357452.htm