Cuộc sống sau 6 năm của nữ sinh đỗ trường Y ở tuổi 12

TRUNG QUỐC - Ở tuổi 18, Trần Thư Âm vừa tốt nghiệp trường Y của Đại học Chiết Giang. Với thành tích xuất sắc sau 6 năm, nữ sinh tiếp tục được tuyển thẳng học tiến sĩ.

7 tuổi vào cấp 2, 9 tuổi vào cấp 3

Trần Thư Âm (2005) xuất thân trong gia đình bình thường ở Trạm Giang (Quảng Đông, Trung Quốc). Bố của nữ sinh là trí thức tài năng, tốt nghiệp Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân. Ông luôn mong muốn con gái có tuổi thơ hạnh phúc, bên cạnh việc đạt thành tích tốt trở thành học sinh giỏi. Do đó, bố mẹ Thư Âm không ép con học.

Khi Thư Âm học nói, bố mẹ mua nhiều sách dành cho trẻ em và đọc cùng con mỗi ngày. Lúc đó, gia đình không nghĩ đến việc nuôi dạy Thư Âm trở thành thần đồng, chỉ mong cô bé lớn lên thông minh, khỏe mạnh và hạnh phúc.

Được tiếp xúc với sách từ sớm, Thư Âm tỏ ra hứng thú. Thời gian trôi qua, bố mẹ ngạc nhiên vì 1 tuổi Thư Âm nhận biết được từ ngữ. Từ đó, họ dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách cùng con. Hàng ngày, buổi tối cả gia đình Thư Âm sẽ cùng nhau khám phá thế giới trong sách, tranh và ảnh.

Bằng cách này, Thư Âm không chỉ biết nhiều từ, còn học được thêm kiến thức và mở rộng tầm nhìn. Nhờ quá trình này, nữ sinh phát triển niềm yêu thích học tập và tư duy logic, thói quen tốt đã tạo nền tảng tốt cho việc học sau này.

Lên 4 tuổi, sách tranh không đáp ứng được nhu cầu, nên Thư Âm xin bố mẹ mua sách nhiều chữ để đọc. Thấy được niềm đam mê của con, bố mẹ mua sách phát triển tư duy cho trẻ, thậm chí mua cả sách giáo khoa tiểu học cho Thư Âm đọc.

5 tuổi, Thư Âm thích nghiên cứu sách không hiểu cô bé nhờ bố mẹ giải thích. Lên 6 tuổi đi học lớp 1, trong khi nhiều phụ huynh lo lắng con khó thi đầu vào, bố mẹ Thư Âm lại sợ con gái thành mọt sách. So với bạn bè đồng trang lứa, khả năng đọc viết và tư duy của Thư Âm vượt trội.

Sau khi vào lớp 1, giáo viên chủ nhiệm của Thư Âm nhận thấy nội dung học tập đơn giản đối với cô bé. Do đó, cô giáo đề nghị chuyển nữ sinh lên lớp lớn. Vài tháng sau, Thư Âm lên thẳng lớp 6 học.

Mặc dù vui nhưng bố mẹ Thư Âm lo con gái giống thần đồng chín ép Ngụy Vĩnh Khang. Lúc này, họ đã dạy Thư Âm: "Con vượt cấp hơn nhiều bạn bè nhưng đừng tự mãn. Quá trình học tập không dễ dàng, tương lai chắc chắn con sẽ gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, con sẽ hiểu tài năng quan trọng, nhưng chăm chỉ còn quan trọng hơn". Hiểu được điều bố mẹ dạy, Thư Âm nghiêm túc học tập.

Năm 2012, ở tuổi lên 7, với sự khuyến khích của thầy cô và bố mẹ, Thư Âm vượt qua kỳ thi chuyển cấp và được nhận vào Trường THCS số 2 Trạm Giang. Khi bạn bè cùng tuổi bắt đầu học nhân chia, Thư Âm đã là học sinh cấp 2.

Bước vào trường cấp 2, Thư Âm trở thành tâm điểm chú ý vì đi đến đâu mọi người cũng nói: "Chính là cô ấy, thiên tài học tập". Mặc dù trong lòng khó chịu nhưng nữ sinh không thể hiện, quyết tâm chăm chỉ học. Tuy nhiên, khi cố gắng chứng tỏ bản thân, mọi thứ càng dễ xảy ra sai sót.

Do số lượng môn học nhiều Thư Âm chưa quen, nên bài kiểm tra cuối kỳ lớp 7 lần đầu điểm số chỉ xếp thứ 300. Lúc này, Thư Âm bị bạn bè chỉ trích nên cảm thấy thất vọng. Về nhà, bố mẹ an ủi Thư Âm: "Con đã cố gắng hết sức điểm kiểm tra không có ý nghĩa. Con nên nỗ lực hơn, bố mẹ tin tương lai con sẽ đạt kết quả tốt".

Sự an ủi của bố mẹ giúp Thư Âm lấy lại tinh thần, điều chỉnh tâm lý và phương pháp học tập, lập kế hoạch chi tiết, tìm ra điểm yếu của bản thân và tăng cường luyện tập. Trong các kỳ thi tiếp theo, thứ hạng của nữ sinh cải thiện, từ 300 lên hơn 200 và 100. Năm lớp 8, nữ sinh tiến thẳng vào top 30 toàn trường.

Năm 2014, Thư Âm tham gia kỳ thi tuyển sinh cấp 3 và xếp thứ 13 thành phố. Nữ sinh đỗ vào lớp thực nghiệm (dành cho học sinh ưu tú) của Trường THPT Trạm Giang. Vào cấp 3 ở tuổi lên 9, Thư Âm trở thành học sinh nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của trường.

Sau khi vào cấp 3, Thư Âm nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập và bạn bè. Lần này, nữ sinh biết điều chỉnh bản thân và tập trung toàn lực cho việc học. Không mất nhiều thời gian, sự nỗ lực và chăm chỉ của Thư Âm được thầy cô, bạn bè công nhận.

12 tuổi đỗ đại học, 18 tuổi học thẳng tiến sĩ

Đam mê nghiên cứu Sinh học, sau khi tham khảo nhiều thông tin và ý kiến của bố mẹ, thầy cô, Thư Âm đặt mục tiêu thi đỗ trường Y. Tháng 6/2017, nữ sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, với số điểm 620, Thư Âm đỗ vào Trường Y thuộc Đại học Chiết Giang (Trung Quốc).

Tin tức Thư Âm đỗ đại học ở tuổi 12 nhận được sự quan tâm của truyền thông. Nữ sinh trở thành hiện tượng mạng xã hội, nhiều người cho rằng, Thư Âm là thần đồng. Tuy nhiên, nữ sinh chỉ khiêm tốn trả lời: "Tôi không phải là thiên tài. Thành công của tôi nhờ vào việc hiểu kỹ nội dung thầy cô giảng, sau đó nghiêm túc hoàn thành bài tập".

Trần Thư Âm đỗ đại học ở tuổi 12, 6 năm sau được tuyển thẳng lên học tiến sĩ. Ảnh: NetEase

Trần Thư Âm đỗ đại học ở tuổi 12, 6 năm sau được tuyển thẳng lên học tiến sĩ. Ảnh: NetEase

Bước chân vào đại học ở tuổi 12, Thư Âm không chỉ biết chăm sóc bản thân chu đáo, còn tích cực tham gia các hoạt động câu lạc bộ của trường và nhanh chóng hòa nhập với bạn bè cùng lớp.

Không lơ là việc học và tiếp tục duy trì sự chăm chỉ, Thư Âm đạt được nhiều thành tích trong 6 năm. Khi học tại Đại học Chiết Giang, nữ sinh có cơ hội gặp được nhiều bạn giỏi, trong số họ từng được mệnh danh là thần đồng. Điều này thôi thúc nữ sinh cần cố gắng hơn.

Cuối năm 2023, sau 6 năm, Thư Âm tốt nghiệp đại học. Ở tuổi 18, nữ sinh được tuyển thẳng học tiến sĩ. Thời gian tới, Thư Âm sẽ đến phòng thí nghiệm của giáo sư hướng dẫn để làm việc và tiếp tục nghiên cứu khoa học.

Nhìn lại hành trình trưởng thành của Thư Âm, việc tạo nên những kỳ tích của nữ sinh không thể tách rời yếu tố tài năng và sự chăm chỉ. Nền tảng giáo dục gia đình cũng là bàn đạp để nữ sinh ngày càng phát triển bản thân.

Nhận thấy năng khiếu học tập của con, nhưng bố mẹ Thư Âm không tạo ra áp lực, chỉ đóng vai trò hướng dẫn và giúp đỡ khi con cần. Sự quan tâm đúng mực của bố mẹ giúp Thư Âm phát huy tối đa tài năng của bản thân.

Lấy trường hợp của Ngụy Vĩnh Khang là bài học cho bản thân, Thư Âm luôn tự nhủ: "Nếu thần đồng không cố gắng chăm chỉ, sớm hay muộn cũng trở thành người tầm thường". Sự giáo dục con sai cách của bố mẹ đã đẩy Ngụy Vĩnh Khang thiếu hụt kỹ năng giao tiếp và xã hội, dẫn đến chỉ số EQ kém. Điều này, khiến thần đồng một thời của Trung Quốc trượt dài, mất đi tương lai tươi sáng.

Thắm Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-song-sau-6-nam-cua-nu-sinh-do-truong-y-o-tuoi-12-2246042.html