CUỘC THI VIẾT 'HƯƠNG VỊ TẾT': Bánh chưng Việt theo bước người xa xứ
Những chiếc bánh chưng bày trên ban thờ của mỗi gia đình người Việt xa xứ đã nói hộ nỗi nhớ quê hương, hướng về cội nguồn dân tộc của những người con sống xa Tổ quốc.
Người Việt mang theo những gì khi rời xa quê hương? Trước hết, họ mang theo nỗi nhớ. Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ những người thân yêu ruột thịt, nhớ dòng sông, con đò, cây đa, bến nước, sân đình, và biết bao hình ảnh của quê hương gắn với tuổi ấu thơ. Họ còn mang theo thói quen ẩm thực, phong tục tập quán, mang cả hồn cốt dân tộc đã ngấm sâu trong tâm thức của mỗi người.
Những người Việt sống ở nước ngoài giống như những đại sứ ẩm thực, đem những món ăn tinh túy của dân tộc Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới, với ba món tiêu biểu là nem, phở và bánh chưng. Với bánh chưng, đó là món ăn mang đậm phong vị Tết cổ truyền của dân tộc.
Tôi sẽ không miêu tả nguyên liệu, cách thức làm Bánh chưng cụ thể như thế nào, vì hầu như người Việt Nam ai cũng biết điều này, mà chỉ muốn nói đến Bánh chưng gắn bó như thế nào trong đời sống người Việt ở Nga.
Từ năm 1990 trở về trước, người Việt ở Nga không có điều kiện để gói bánh chưng đón Tết. Lúc chúng tôi đang học tiếng Nga ở Khoa dự bị Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, có một bạn trong lớp nhận được một chiếc bánh chưng do bố mẹ gửi sang. Chiếc bánh chưng được chia đều cho gần hai chục người, mỗi người được một tiếng bé tẹo. Không người nào dám ăn ngay, mà đưa lên ngửi thật lâu, rồi nhai thật chậm để tận hưởng hương vị Tết quê nhà. Bạn tôi rưng rưng nước mắt bảo: "Tình cha mẹ, hương vị quê hương, hồn dân tộc nằm cả ở trong chiếc bánh chưng này".
Năm 1991, Liên Xô tan rã, các nhà máy đóng cửa, hàng trăm ngàn công nhân người Việt đang lao động hợp tác ở các nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết thất nghiệp, đổ dồn về Matxcơva và các thành phố lớn của nước Nga để tìm kế sinh nhai. Họ thuê ký túc xá của các nhà máy vừa giải thể hoặc của các trường đại học đang khủng hoảng, vừa để làm nhà ở vừa làm thương xá. Từ đó, cộng đồng người Việt tại Nga chính thức hình thành và các dịch vụ phục vụ đời sống cộng đồng cũng được sinh ra. Anh Trí, một nghiên cứu sinh ở Đôm 5 (một trung tâm buôn bán của người Việt đầu tiên tại Matxcơva), với đầu óc nhanh nhạy, từ năm 1992, "đánh" bánh chưng và cành đào từ Việt Nam qua hãng hàng không của Nga sang bán cho bà con. Hàng tấn Bánh chưng bán hết vèo trong vài ba ngày.
Từ khi Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline) lập đường bay Matxcơva - Hà Nội - TP HCM, người Việt ở Nga cảm thấy quê hương gần gũi hơn bởi các món ăn dân tộc chở sang còn tươi roi rói: Lươn, cua, ốc, ếch, ba ba, rau muống, lá chanh, lá lốt, xương xông, mùi tầu, rau ngổ, v.v... Vào bất cứ cửa hàng nào của người Việt ở Matxcơva, cũng có thể mua những thứ trên một cách dễ dàng.
Cũng từ đó, người Việt tại Nga không cần mua bánh chưng của anh Trí mang từ Việt Nam sang nữa. Họ gói bánh chưng tại chỗ với giá thành rẻ hơn. Người Việt làm ăn buôn bán tất bật ở ngoài chợ, ít có thời giờ để ngồi gói bánh chưng. Vì thế dịch vụ gói Bánh chưng ra đời, nhiều người phất lên trông thấy.
Ban đầu, các nhà làm dịch vụ chỉ cần đặt lá dong và dây lạt giang để buộc gói bánh từ Việt Nam, còn đậu xanh và gạo nếp mua từ thành phố Tasken của Uzơbekistan (một nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ), chở bằng đường tàu hỏa. Hạt tiêu, hành mùi, thịt lợn bên này vừa sẵn, vừa rẻ. Sau mấy lần thử nghiệm, người ta thấy gói bánh chưng bằng gạo nếp Tasken không ngon bằng gạo nếp Việt Nam nên phải dùng gạo nếp ở quê nhà.
Bánh chưng được nấu bằng bếp gas, mà gas là thứ khí đốt vô cùng rẻ ở Nga. Có người khó tính chê bánh chưng nấu bằng bếp gas không ngon bằng nấu bếp củi. Tuy vậy, trên bàn thờ của bất cứ gia đình nào của người Việt tại Nga không thể thiếu cặp bánh chưng.
Tôi có mấy anh bạn lấy vợ người Nga, Tết nào cũng dẫn vợ con vào ký túc xá Việt Nam ăn Tết chung với cộng đồng, để vợ con hưởng không khí và hương vị Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trong bữa tiệc mừng năm mới, chúng tôi cùng nhau bồi hồi ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ quây quần xem mẹ gói bánh, rồi ngồi bên bếp lửa ấm áp canh nồi bánh chiều ba mươi Tết.
Giáp Tết, nhiều công ty người Việt đặt bánh để tặng bà con trong ký túc xá hoặc kinh doanh tại trung tâm thương mại do công ty quản lý. Công ty nhỏ thì đặt một hai trăm, công ty lớn thì đặt hàng ngàn cái. Trong mỗi túi quà thường có một chai sâm panh, một cặp bánh chưng, một quyển lịch treo tường in tên và địa chỉ của công ty. Có công ty thay lịch bằng 1 quyển tạp chí "Đất nước" của Đại Sứ quán Việt Nam tại Nga, hoặc tạp chí "Người Bạn đường" của Hội Văn học nghệ thuật, tạp chí "Đoàn kết" của Hội người Việt Nam tại Nga. Nét đẹp văn hóa ấy được hình thành trong cộng đồng hơn hai chục năm rồi.
Mấy năm gần đây, Đại Sứ quán Việt Nam tại Nga thành lập "Hội phu nhân các cán bộ, nhân viên Đại Sứ quán". Hội có nhiều hoạt động xã hội gắn với cộng đồng, nhưng nhộn nhịp và vui vẻ nhất là việc chuẩn bị gói bánh chưng ngày Tết, thay cho việc đặt dịch vụ nhiều năm trước đây. Bánh chưng do chị em trong hội gói, góp phần vào bữa tiệc chiêu đãi đại diện Đại Sứ quán các nước Asean tại Matxcơva, đại diện chính quyền và các Hiệp hội của các bạn Nga gắn bó với Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Nghe chúng tôi kể sự tích bánh chưng vuông, bánh dày tròn mà Lang Liêu dâng lên vua Hùng, bạn bè các nước tấm tắc khen tập tục mang nét đẹp văn hóa Việt Nam. Chúng tôi biết ơn tổ tiên đã để lại cho con cháu tục gói Bánh chưng ngày Tết.
Những chiếc Bánh chưng bày trên ban thờ của mỗi gia đình người Việt xa xứ nói chung, ở nước Nga mênh mông tuyết trắng nói riêng mỗi dịp Tết cổ truyền, đã nói hộ nỗi nhớ quê hương, hướng về cội nguồn dân tộc của những người con sống xa Tổ quốc.