Cước vận tải biển đi châu Âu, Mỹ giảm dần
Giá cước vận tải biển đi tuyến xa đang có xu hướng giảm nhẹ, song vẫn cao hơn 82% so với cùng kỳ năm 2023.
Tin từ Cục Hàng hải VN, từ tháng 1/2024, cước vận chuyển container bằng tàu biển, đặc biệt tuyến vận tải đi châu Âu, đi Mỹ/Canada tăng nhiều so với tháng 12/2023 tùy hãng và tùy tuyến.
Chỉ số giá cước vận tải container đạt mức giá cao nhất vào thời điểm cuối tháng 1/2024 vào khoảng 3.900-4.200 USD/container 40 feet, cao hơn khoảng gấp 3 lần so với thời điểm tháng 11/2023.
Tuy nhiên, sang đến tháng 2/2024, giá cước vận tải đã giảm vì thị trường châu Á bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Đồng thời, đây là mùa thấp điểm, kèm theo nhu cầu thị trường đang sụt giảm nên nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa không cao.
Đến nay, mức giá cước tiếp tục có xu hướng giảm dần, hiện giảm 12% so với thời cao điểm vào tháng 1/2024, nhưng vẫn cao hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn khoảng 131% so với mức giá trung bình trước đại dịch Covid-19 và cao hơn khoảng 24% so với mức giá trung bình của 10 năm gần đây.
Cụ thể, giá vận chuyển container 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu giảm từ 5.500 USD xuống 3.500 USD, từ Việt Nam đi châu Mỹ giảm từ 3.500 USD xuống 2.500 USD.
Nguyên nhân của việc tăng giá vận tải, theo lý giải của Cục Hàng hải VN, thông thường với tuyến vận tải từ châu Á đi châu Âu, bờ Tây Mỹ, hành trình tàu đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, đây là tuyến đường ngắn nhất với chi phí tối ưu.
Kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, các hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài từ 10 đến 14 ngày so với trước, phát sinh thêm rất nhiều chi phí vận chuyển, điều này khiến giá vận chuyển tăng cao.
Đặc thù ngành hàng hải tại Việt Nam, hàng hóa xuất nhập khẩu đi châu Âu, châu Mỹ chủ yếu thực hiện theo hình thức mua CIF bán FOB (giao, nhận hàng tại cầu cảng tại Việt Nam) chiếm từ 80-90%. Do đó, việc thuê phương tiện và thanh toán giá cước chủ yếu do đối tác nước ngoài đảm nhận.
Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10-20% hàng hóa do chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam trực tiếp chi trả. Giá cước tăng chủ yếu tác động vào đối tượng khách hàng nhỏ, ký hợp đồng ngắn hạn, có lượng hàng không ổn định.
Đối với khách hàng ký hợp đồng vận tải dài hạn theo năm, giá cước thường ổn định và không bị tác động bởi tăng giá trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình thị trường vận chuyển vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp do các cuộc xung đột vũ trang vẫn chưa kết thúc. Bởi thế, Cục Hàng hải VN khuyến cáo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải chủ động kế hoạch sản xuất và kế hoạch vận tải, đảm bảo việc ký kết hợp đồng dài hạn sẽ giảm đáng kể tác động do biến động giá cước.