Cuốn cẩm nang về 'Thờ cúng cổ truyền Việt Nam – nghi lễ và thực hành nghi lễ'

Cuốn sách 'Thờ cúng cổ truyền Việt Nam – Nghi lễ và thực hành nghi lễ' của tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà vừa là một công trình có tính chất khảo cứu lý luận về tập quán thờ cúng trong đời sống sinh hoạt, tâm linh của người Việt, vừa là một cẩm nang hướng dẫn thực hành các nghi lễ cổ truyền theo đúng tinh thần thành kính, tiết kiệm và văn minh trong cuộc sống hiện đại.

Trong khuôn khổ hoạt động Phố sách Xuân Ất Tỵ 2025 tại Phố sách Hà Nội, ngày 24-1, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam (Nhã Nam) ra mắt cuốn sách “Thờ cúng cổ truyền Việt Nam – Nghi lễ và thực hành nghi lễ” với sự tham gia của PGS.TS Bùi Xuân Đính và Thượng tọa Thích Tâm Hiệp.

Ra mắt cuốn sách "Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ" tại Phố sách Xuân. Ảnh: BTC

Ra mắt cuốn sách "Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ" tại Phố sách Xuân. Ảnh: BTC

Là một nhà nghiên cứu văn hóa trẻ và có nhiều năm hướng dẫn thực hành nghi lễ thờ cúng, tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà đã tìm hiểu, ghi chép, miêu tả, hệ thống hóa và bước đầu phân tích hệ thống nghi lễ của người Việt đưa vào cuốn sách.

“Thờ cúng cổ truyền Việt Nam – Nghi lễ và thực hành nghi lễ” được PGS.TS Bùi Xuân Đính, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (Viện Dân tộc học) hiệu đính, Nhã Nam liên kết với Nhà Xuất bản Thế giới ấn hành, dày 287 trang.

Sách gồm 5 chương, trong đó chương đầu khái quát về đặc điểm, tính chất nghi lễ thờ cúng cổ truyền Việt Nam. Chương II “Nghi lễ thờ cúng tổ tiên” có lễ tôn bát hương, lễ chuyển bàn thờ, lễ tạ mộ, lễ kính rước ông bà về nhà thờ mới… Chương III “Nghi lễ thờ cúng tại gia theo lễ tiết trong năm” có Tết Nguyên đán (lễ cúng ông Công, ông Táo, lễ cúng Giao thừa, cúng tất niên, lễ cúng đầu năm…), Tết Nguyên tiêu, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu…

Cuốn sách giống như cẩm nang hướng dẫn mọi người thực hành nghi lễ thờ cúng. Ảnh: Thụy Du

Cuốn sách giống như cẩm nang hướng dẫn mọi người thực hành nghi lễ thờ cúng. Ảnh: Thụy Du

Chương IV “Nghi lễ thờ cúng vòng đời người” có lễ đầy tháng, đầy tuổi, lễ thành hôn, lễ tân gia, lễ mừng thọ, lễ giỗ, lễ tang… Chương V “Một số nghi lễ thờ cúng quan trọng khác” có thể kể đến là lễ cúng mùng Một và ngày Rằm hằng tháng, lễ chăm sóc phần mộ tổ tiên, lễ thờ Thần tài, lễ cầu tài, cầu lộc đầu năm...

Khi đi vào từng nghi lễ, cuốn sách đều có hướng dẫn 3 phần cụ thể, gồm ý nghĩa của nghi lễ, các lễ vật cần thiết để chuẩn bị cho nghi lễ và hướng dẫn các bước tiến hành dâng lễ.

Ngoài ra, cuốn sách cũng có những lưu ý cho bạn đọc khi thờ cúng, lễ tết biết cách xử lý một số tình huống như bát hương hóa (cháy), lau dọn bàn thờ và chăm sóc bát hương, gieo quẻ âm dương, những điều kiêng kỵ nên tránh…

PGS.TS Bùi Xuân Đính nhận định, ngay tựa đề cuốn sách đã cho thấy tác giả chủ ý viết về tục thời cúng ở Việt Nam dưới dạng thực hành nên có sức thu hút nhất định. Khi trình bày nội dung cuốn sách, tác giả khái quát về nghi lễ thờ cúng để người đọc có hình dung cụ thể, đồng thời rất thận trọng, tỉ mỉ trong việc hướng dẫn độc giả thực hành các nghi lễ ngắn gọn, dễ hiểu.

Tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà chia sẻ, cuốn sách này là sự chắt lọc những giá trị tốt đẹp của nghi lễ, nghi thức còn được lưu giữ đến tận hôm nay, phù hợp với nhịp sống của người Việt trong kỷ nguyên công nghệ số, để cho mọi người, đặc biệt là người trẻ hiểu rõ hơn về nó.

Cuốn sách được trình bày có tính chất như một cẩm nang, chú trọng nhiều hơn vào thực hành, ngắn gọn, dễ vận dụng, hạn chế yếu tố học thuật, hàn lâm để bạn trẻ có thể tìm hiểu thông suốt rồi tự mình thực hiện một cách chân tâm, chu đáo và hoàn chỉnh những nghi thức này.

Thụy Du

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cuon-cam-nang-ve-tho-cung-co-truyen-viet-nam-nghi-le-va-thuc-hanh-nghi-le-691503.html