Cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam khuyên thuộc cấp dũng cảm nhận lỗi tại tòa

Bị cáo Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khuyên bị cáo khác, vốn là cấp dưới của mình, phải dũng cảm nhận lỗi để 'ngẩng mặt với bà con Bình Dương'.

Sáng 18/8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi bị cáo Trần Văn Nam liên quan các sai phạm tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương trong vụ án thất thoát “đất vàng” tại Bình Dương.

Ông Nam bị cáo buộc có 2 sai phạm. Thứ nhất, giao 2 khu đất 43ha và 145ha tại Bình Dương cho Tổng công ty Bình Dương vào năm 2012 nhưng áp giá thu tiền về ngân sách theo khung của năm 2006. Việc này gây thất thoát hơn 761 tỷ đồng.

Cựu Bí thư Bình Dương - Trần Văn Nam tại phiên tòa.

Cựu Bí thư Bình Dương - Trần Văn Nam tại phiên tòa.

Thứ 2, Tổng công ty Bình Dương dù không xin phép chủ sở hữu là Tỉnh ủy vẫn mang 43ha đất đi góp cổ phần vào Công ty Tân Phú. Năm 2016, Tổng công ty Bình Dương phải cổ phần hóa nên Tỉnh ủy Bình Dương ra công văn 407 yêu cầu đưa khu đất 43ha phải được giao cho Công ty Impco (cũng trực thuộc Tỉnh ủy).

Tuy nhiên, nhóm Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Tổng công ty Bình Dương không làm theo yêu cầu trên. Nhóm này còn thỏa thuận bán khu đất cho doanh nghiệp của nữ “đại gia” Đặng Thị Kim Oanh. Do khu đất đang đang đứng tên chủ sở hữu là Công ty Tân Phú, nhóm Nguyễn Văn Minh bán toàn bộ cổ phần tại Tân Phú cho bà Đặng Thị Kim Oanh. Khu đất từ tài sản Nhà nước bị chuyển sang tư nhân, gây thiệt hại hơn 984 tỷ đồng.

Tháng 4/2017, Tỉnh ủy Bình Dương họp về việc Tổng công ty Bình Dương bán cổ phần tại Tân Phú và biết việc Nhà nước có thể mất toàn bộ khu đất 43ha nhưng đã không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bán cổ phần.

Bị cáo Ngô Dũng Phương, cựu Trưởng phòng Tài chính Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương còn soạn thông báo cho bị cáo Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực ký với nội dung đồng ý cho Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Tân Phú.

Viện kiểm sát cáo buộc, năm 2018, bị cáo Trần Văn Nam chủ trì họp, bàn cách xử lý việc liên quan khu đắt 43ha, lúc này đã thuộc sở hữu của bà Kim Oanh. Ông Nam khi đó chỉ đạo: “Xử lý về mặt văn bản, sử lại, điều chỉnh lại… xem xét bỏ khu đất 43ha ra khỏi công văn số 407 năm 2016”. Công văn 407 có nội dung vốn 43ha phải đưa về Impco. Văn bản cuộc họp này được “lập khống”, lùi ngày về năm 2017.

Trả lời tại tòa, bị cáo Trần Văn Nam bác bỏ cáo buộc ký các văn bản lùi ngày với mục đích “hợp thức hóa” việc Tổng công ty Bình Dương bán cổ phần tại Tân Phú (thực chất là bán đất).

Luật sư của ông Phạm Văn Cành đặt câu hỏi, ông Nam không cho lập văn bản lùi ngày, vậy việc này làm theo chủ trương của ai? Cựu Bí thư Bình Dương cho hay không biết có văn bản lùi ngày. Vị này nói với bị cáo Phương, người từng là cấp dưới của mình: “Anh Phương phải dũng cảm, làm sai thì nhận, mình phải ngẩng đầu với bà con Bình Dương”.

Bị cáo Nam thừa nhận, việc Tổng công ty Bình Dương nói góp vốn vào Công ty Tân Phú thực chất là mang đất đi góp vốn, việc này gây “bức xúc trong Thường trực Tỉnh ủy”. Để xử lý, ông Nam cho rằng không thể giao 43ha về Công ty Impco vì: “Nó là doanh nghiệp mới thành lập, liên quan gì đâu”. Do vậy, ông có chỉ đạo để lại khu 43ha, yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm của Tổng công ty Bình Dương trong việc góp vốn rồi thoái vốn.

Trước đó, HĐXX đã tiến hành phần xét hỏi với bị cáo Võ Hồng Cường - Tổng Giám đốc Công ty Hưng Vượng. Ở vụ án này, bị cáo Cường bị cáo buộc tội Tham ô tài sản. Ông Võ Hồng Cường trình bày, năm 2019, khi dư luận nổi lên thông tin về việc mua bán không minh bạch 19% cổ phần của Tổng Công ty Bình Dương, lúc này bị cáo đã tìm gặp một số luật sư, bạn bè làm trong ngành công an, tư pháp để nhờ tư vấn.

Sau khi nhận được tư vấn rằng cần phải dứt điểm hoàn trả lại 19% cổ phần, bị cáo Võ Hồng Cường khai đã tìm cách để khắc phục. Trong vòng 6 tháng, bị cáo chuyển trả hơn 700 tỷ đồng cho Tổng Công ty Bình Dương. Trong hoàn cảnh đó, để giữ công việc cho hơn 2.000 lao động của công ty là hết sức khó khăn.

Theo trình bày của bị cáo, việc mua lại cổ phần không phải vì động cơ vụ lợi, che giấu tội phạm mà chỉ nhằm khắc phục cái sai. Bị cáo khắc phục hậu quả từ tháng 11/2019, nhưng 3 năm sau mới bị khởi tố về tội Tham ô tải sản.

Theo lời khai của ông Cường, 19% cổ phần chỉ là phần ngọn, bản thân bị cáo luôn mong được trả lại 70% phần gốc. Đến nay, bị cáo chỉ có mong muốn duy nhất là được khắc phục triệt để hậu quả sai phạm./.

Võ Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/cuu-bi-thu-binh-duong-tran-van-nam-khuyen-thuoc-cap-dung-cam-nhan-loi-tai-toa-post964068.vov