Đà Nẵng: Công chức dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ làm gì?

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố đang trình Trung ương, Đà Nẵng sẽ thực hiện sáp nhập đối với 17 phường.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Dự kiến sau khi sáp nhập, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư của toàn thành phố là 167 người. Để đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể.

Theo Đề án, các phường dự kiến sáp nhập thuộc các quận Hải Châu (giảm 4 phường), Thanh Khê (giảm 4 phường) và Sơn Trà (giảm 1 phường). Theo ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), dự kiến phường Hải Châu 1 và phường Hải Châu 2 sẽ sáp nhập thành một phường mới, lấy tên là phường Hải Châu. Để chuẩn bị, UBND phường Hải Châu 1 đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn phường về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Kết quả, hơn 96% cử tri được lấy ý kiến đã đồng ý sáp nhập 2 phường để thành lập phường mới. Để đạt được tỷ lệ đồng thuận cao, trước đó, phường đã thông báo, tuyên truyền sâu rộng đến từng khu dân cư, tổ dân phố để nhân dân hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đối với các cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đang làm việc tại UBND phường Hải Châu 1, ông Võ Trường Anh cho biết, phường đã lắng nghe, tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng để tổng hợp, báo cáo lên UBND quận Hải Châu. Hiện, phường có 19 cán bộ, công chức và 15 người hoạt động không chuyên trách. Hầu hết đều đang trong độ tuổi lao động và mong muốn được điều chuyển đến vị trí phù hợp để an tâm công tác.

Theo hướng dẫn của Quốc hội, có 60 tháng để các địa phương rà soát, bố trí cán bộ dôi dư phù hợp với năng lực, trình độ, bằng cấp. Do đó, các cán bộ, công chức luôn yên tâm và tin tưởng vào sự sắp xếp của chính quyền thành phố.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố

Đà Nẵng

Võ Ngọc Đồng cho biết, Thành ủy, UBND thành phố đã đặc biệt quan tâm, chủ động rà soát, xây dựng phương án để bố trí lại cán bộ, công chức có năng lực, phù hợp với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng cán bộ ở cơ sở. Đồng thời, thành phố và các quận sớm có phương án bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư. Công tác này được thực hiện cùng với việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Do đó, việc thực hiện bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường dôi dư đã nhận được sự đồng thuận của đa số đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số cán bộ có tâm tư, lo lắng cần được động viên và có chính sách hợp lý để tạo sự đồng thuận.

UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) là một trong 17 phường thuộc diện sáp nhập giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) là một trong 17 phường thuộc diện sáp nhập giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Theo Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có chủ trương tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận tại các cơ quan hành chính; rà soát, tạo điều kiện để cán bộ, công chức các phường thuộc diện sáp nhập có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực đến công tác tại các sở, ban, ngành, quận, huyện... Bên cạnh đó, các Quận ủy, UBND quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà đã chủ động rà soát và có phương án, bố trí sắp xếp đối với các trường hợp dôi dư trong 60 tháng theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc Dũng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/da-nang-cong-chuc-doi-du-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-se-lam-gi/344155.html