Đặc sắc hát múa Dậm Quyển Sơn
Hát Dậm đến nay sưu tầm có trên 50 điệu khác nhau, trong đó trên 30 điệu đã được nghiên cứu và ghi lại thành bản nhạc.
Hát Dậm đến nay sưu tầm có trên 50 điệu khác nhau, trong đó trên 30 điệu đã được nghiên cứu và ghi lại thành bản nhạc.
Vào mùa hoa nở xuân sang
Gần xa nô nức hội làng chung vui
Trên hát dậm dưới bơi thuyền
Già làng tế lễ sáng ngời kiệu hoa
Nơi đô vật, nơi chọi gà
Nơi vui cờ tướng, nơi là kéo co
Đây là những câu thơ nói về lễ hội đền Trúc của ông Đinh Quang Kiểm - một người con của vùng đất Quyển Sơn (vùng đất từ cầu Đồng Sơn (xã Liên Sơn) đến giáp thôn Thanh Nộn (xã Thanh Sơn), hiện nay thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Lễ hội đền Trúc diễn ra vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hằng năm. Ngoài các nghi lễ và các trò vui, lễ hội ấn tượng nhất là màn hát múa thờ Lý Thường Kiệt diễn ra trong vòng một tháng, từ ngày 10 tháng Giêng đến ngày 10 tháng hai âm lịch. Có rất nhiều nơi thờ Lý Thường Kiệt – vị tướng tài thời Lý, nhưng chỉ có duy nhất nhân dân vùng Quyển Sơn được ông dạy cho những làn điệu hát múa Dậm (hoặc Dặm) sau khi đánh thắng giặc Chiêm Thành vào năm 1069 trở về.
Hát múa Dậm, vừa hát vừa múa bằng quạt, bằng tay và chân dậm nhịp có màu sắc văn hóa Chăm, bởi theo tương truyền sau khi thắng Chiêm Thành, có thể Lý Thường Kiệt đã mang theo về cả vũ nữ và nô lệ miền trong. Hát Dậm đến nay sưu tầm có trên 50 điệu khác nhau, trong đó trên 30 điệu đã được nghiên cứu và ghi lại thành bản nhạc. Theo thời gian, hát Dậm có lúc thăng lúc trầm, nhưng dân làng Quyển Sơn rất có ý thức trong việc bảo tồn và lưu truyền khiến những điệu hát múa riêng có này trường tồn đến ngày nay. Một trong những người đang tiếp nối và tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ những điệu múa hát Dậm là Nghệ nhân Ưu tú Trịnh Thị Phẩm.
Cụ Trịnh Thị Phẩm nhớ lại, trước đây sau Tết Nguyên đán, ông mõ sẽ đi khắp làng rao nhà nào có con gái cho đi hát Dậm thờ thần ở đền. Nhà nào nhà đấy có con gái từ 13 đến 18 tuổi đều ùa ra ngõ để nghe mõ rao và để làng tuyển chọn khoảng vài ba mươi cô thành lập phường Dậm, tổ chức tập múa hát theo đúng bài bản của nghi lễ. Các cô được bà trùm là người thuộc hết các bài hát múa Dậm, có giọng hát hay và múa khéo dạy bảo. Khi mọi công việc hoàn tất, các cụ chọn lấy 10 – 20 cô múa hát hay nhất để hát lễ tại đền Trúc nơi thờ tướng công Lý Thường Kiệt.
Cụ Trịnh Thị Phẩm cũng là một cô gái của phường Dậm ngày ấy, nhưng từ năm 13 đến 17 tuổi thì thôi không hát nữa và đi lấy chồng. Cuộc sống thăng trầm, năm 1965 khi mới 24 tuổi thì chồng cụ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ đó, cụ một mình cấy lúa, đi rừng nuôi hai con khôn lớn, nhưng những làn điệu hát Dậm vẫn in sâu trong trí nhớ cụ. Đến năm 2004, khi Mẹ Việt Nam An hùng, Nghệ nhân Ưu tú Trịnh Thị Răm và cũng là chị gái của cụ Phẩm, lúc đó đang là cụ trùm phường hát Dậm đã yếu mệt nên giới thiệu với làng để cụ Phẩm thay mình điều hành phường Dậm. Hiện, cụ Phẩm có một quyển sách ghi các điệu hát, đây là những điệu hát được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Hội đền Trúc 5 năm mở lớn một lần, nhưng hát Dậm thì năm nào cũng tổ chức hát thờ đúng một tháng theo tích cũ. Các cô gái hát Dậm không đông đảo như ngày trước, nhưng cứ lớp này nối tiếp lớp kia, năm nào phường Dậm cũng được thành lập. Lời bài hát Dậm mộc mạc, có lúc vui tươi, có lúc man mác buồn, có lúc hừng hực khí thế chống giặc, lại có lúc thủ thỉ tâm tình dễ học dễ thuộc. Theo lời cụ Phẩm, các cháu ngày nay có chữ (có học) nên các cháu học nhanh, cứ theo bà, theo các chị đi trước học đến đâu nhớ đến đó nên cũng không phải học nhiều. Ngày nay, đội hát Dậm chỉ chọn 14 cô gái, trong ngày 10 tháng Giêng mở cửa đền, ngày rước kiệu chính hội và ngày đóng cửa đền các cô gái sẽ hát thờ vào buổi sáng, còn việc hát thờ thần vào buổi tối vẫn thực hiện liên tục từ ngày 10 tháng Giêng đến ngày 10 tháng hai.
Trước đây, ở đền Trúc tổ chức hát ở sân đình, lại hát vào buổi chiều và vào thời điểm nông nhàn nên nhân dân đến xem rất đông, cả đường thủy, đường bộ nhân dân kéo về xem chật sân đền. Anh Đinh Văn Thi, người dân làng Quyển nhớ lại, những năm 1972, 1973 khi đó anh khoảng 10 tuổi đi chăn trâu nhưng mê xem hát Dậm nên thường xuyên buộc trâu một chỗ vào xem hát Dậm. Dân làng đứng xem vòng trong vòng ngoài, ngày ấy có cả các cô gái và các bà, các mẹ cùng hát. Đền thiêng, sông nước tươi đẹp, rừng trúc xanh tươi tốt, cuộc sống giản dị và người dân thân thuộc, vui tươi nên ký ức về những ngày xem hát hội đó vẫn theo anh đến tận bây giờ. Còn ngày nay, hát Dậm tổ chức ở trong đình thì chỉ có những ngày hội làng mở lớn nhân dân mới tham gia đông.
Trở lại với câu chuyện của cụ Phẩm, cụ cho biết, hiện nay việc chọn các cô gái đi hát cũng khó, bởi bây giờ các gia đình sinh ít con và chú trọng cho các cháu học văn hóa hơn nên nhiều người không muốn cho con vào phường Dậm, nhiều cháu vào nhưng cũng chỉ hát một, hai năm rồi đi học đại học, đi làm, lấy chồng nên luôn luôn phải bổ sung người mới. Năm nào còn lại nhiều cháu cũ thì cụ trùm nhàn hơn vì các cháu cũ có thể dạy các cháu mới, còn những năm chỉ còn lại một, hai cháu cũ thì cụ trùm sẽ vất vả hơn trong việc dạy các cháu múa hát Dậm. Tuy nhiên, việc quan tâm của người dân cũng như của xã Thi Sơn đối với hát Dậm cũng là nguồn động viên lớn giúp cụ trùm và các cô gái thêm gắn bó với hát Dậm. Xưa, mỗi năm dân làng để cho bà trùm cấy độ 2 hay 3 sào ruộng hoặc được hưởng 10 quan tiền. Đến cải lương hương chính vào khoảng năm 1927, cụ trùm được hưởng ba, bốn đồng bạc. Hiện nay, mỗi năm cụ trùm được xã hỗ trợ 1,8 tạ lúa, các cô gái được 1,5 tạ lúa; riêng 3 ngày đóng, mở và rước kiệu, cụ trùm và các cô gái cũng được tặng một số tiền và hỗ trợ tiền lễ phục.
Năm nay cụ Trịnh Thị Phẩm đã tròn 80 tuổi, giọng hát của cụ vẫn cao, vẫn vang nhưng sức khỏe đã kém đi nhiều, nhưng ai đến thăm, cụ đều tiếp đón niềm nở và hát khi có người yêu cầu. Cụ đang tìm những người có nhiệt huyết có thể thay mình làm cụ trùm. Hiện nay, hát múa Dậm không chỉ người dân Quyển Sơn quan tâm, quảng bá mà nhiều người nơi khác cũng rất quan tâm. Đã có nhiều cô giáo trong tỉnh đến gặp cụ tìm hiểu tư liệu để giúp cho việc giáo dục lịch sử văn hóa địa phương, tìm tư liệu kiến văn, luận văn, hoặc những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà báo từ trung ương đến địa phương vẫn quan tâm đến hát Dậm, với mong muốn đưa hát Dậm đến với mọi người, mọi miền, làm đậm thêm màu sắc của hát Dậm vùng Quyển Sơn trong dòng chảy văn hóa truyền thống Hà Nam.