Gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Là vùng đất có nhiều địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, như: Núi Chí Linh - nơi nghĩa quân Lam Sơn 'nếm mật nằm gai'; suối Huối - nơi tướng, quân 'hòa nước sông chén rượu ngọt ngào'; bản Năng Cát - thác Ma Hao với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ... Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để huyện Lang Chánh phát triển ngành 'công nghiệp không khói' gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Một điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Yên Thắng.

Một điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Yên Thắng.

Từ tiềm năng và lợi thế vốn có, chủ trương quy hoạch và phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lang Chánh sớm được ngành chức năng của tỉnh và huyện triển khai thực hiện. Và, với sự vào cuộc đồng bộ từ ngành chức năng, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, năm 2016, tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát - Thác Ma Hao chính thức được công bố. Cũng từ đây, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Lang Chánh được quan tâm đẩy mạnh; các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục, bảo tồn. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 6/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ về phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Lang Chánh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các sản phẩm du lịch của huyện đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Hoàng Văn Thanh cho biết: Để đưa Nghị quyết số 06-NQ/HU vào thực tiễn cuộc sống, ngay khi nghị quyết được ban hành, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện, đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân và người đứng đầu. Trong đó trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến; huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh để đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông... Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia kinh doanh lưu trú du lịch thông qua tổ chức các lớp tập huấn kiến thức du lịch cộng đồng, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó khơi gợi niềm đam mê cho người dân, lan tỏa việc làm du lịch kết hợp xây dựng NTM, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, Mường.

Từ quan điểm, chủ trương cũng như thực thi nhiều giải pháp thiết thực, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngành “Công nghiệp không khói” của huyện Lang Chánh đã có nhiều khởi sắc. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch được chú trọng; huyện đã cập nhật các điểm theo quy hoạch phát triển du lịch được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư tạo thuận lợi cho du lịch phát triển, như: Cải tạo các tuyến đường lâm nghiệp thành đường du lịch lên thác 7 tầng; công trình thoát nước bản Năng Cát, tuyến đường dọc suối Năng Cát... Năm 2024, khởi công mở rộng tuyến đường từ ngã ba bản En đi Năng Cát, tuyến đường tránh lũ kè 25 đi bản Năng Cát...

Trên địa bàn huyện có thêm nhiều khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mới, như: bản Ngàm Pốc, xã Yên Thắng; bản Ngày, xã Lâm Phú; điểm du lịch Thung Bằng, xã Đồng Lương; làng Thiền, làng Năng Cát, Đền thờ Lê Lợi, xã Trí Nang; làng Húng, xã Giao Thiện; ruộng bậc thang bản Peo, xã Yên Thắng; du lịch tâm linh Chùa Mèo, thị trấn Lang Chánh... Các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian được phục dựng, bảo tồn và tổ chức với quy mô lớn, tạo dấu ấn trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Huyện đã tổ chức thành công nhiều lễ hội như Lễ hội Chùa Mèo ngày mùng 6, 7/1 âm lịch hằng năm; khôi phục Lễ hội Đô đốc Đài lương Quận công Lê Phúc Hoạch, tại thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương vào mùng 7, 8/1 âm lịch năm 2024; Lễ hội Chí Linh Sơn vào dịp giỗ tổ Hùng Vương; Lễ hội Mường Đeng ngày 11, 12/10/2024 (tức ngày mùng 9, 10/9 âm lịch). Đặc biệt, năm 2024, Lễ tục Chá Mùn của đồng bào Thái đen, xã Yên Thắng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, gắn với thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Theo thống kê, 3 năm gần đây, có khoảng 155.000 lượt khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Lang Chánh, doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt khoảng 25 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 06-NQ/HU đề ra, những kết quả mà huyện Lang Chánh đạt được trong phát triển du lịch gắn với gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vẫn còn khiêm tốn. Nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch và văn hóa chưa được khai thác triệt để; sản phẩm du lịch cộng đồng còn đơn điệu; việc phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt hướng dẫn viên địa phương, lao động phục vụ trực tiếp còn nhiều hạn chế về kỹ năng nghề. Thực trạng này đang đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân huyện Lang Chánh cần phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa để tạo thêm những “gam màu sáng” cho bức tranh du lịch huyện nhà.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/gan-phat-trien-du-lich-voi-bao-ton-va-nbsp-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-240351.htm