Trên đất làng Ngọc Trung

Có lịch sử hình thành cách đây hơn một ngàn năm, làng Ngọc Trung, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) nằm theo hình chữ điền, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Trải qua thời gian, dù có nhiều sự đổi thay nhưng hằng năm, ngày 13 tháng Giêng làng luôn mở hội rộn ràng.

Làng Ngọc Trung xưa, nay là thôn Ngọc Trung.

Làng Ngọc Trung xưa, nay là thôn Ngọc Trung.

Cho đến nay chưa ai có thể khẳng định được đâu là văn bản chính xác ghi chép về sự hình thành vùng đất Xuân Minh. Một số tài liệu cho rằng, có thể từ thời các vua Hùng dựng nước, một bộ phận cư dân đã có mặt ở đây tụ cư và sinh sống bằng nghề trồng lúa nước. Cho nên, vào những năm đầu của công nguyên, khi bình định xong nước ta, bọn xâm lược Hán đã cai quản vùng đất này. Dù chưa có một cuộc khai quật quy mô và chính thức, nhưng qua thám sát, nghiên cứu bước đầu, nhiều di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, như: trống đồng, dao găm hình người, và các loại đồ gốm, cùng nhiều mộ Hán... đã được tìm thấy. Một số nhà khảo cổ đã đưa ra một dự đoán vùng đất này có thể thuộc vào bộ Quân Ninh của nước Văn Lang xưa.

Còn các bản gia phả, thần phả và địa bạ cũ của các làng lưu giữ được, khẳng định vùng đất xã Xuân Minh hình thành vào gần cuối thời Lý, với sự ra đời của nhiều làng trong xã. Những cái tên Lai Duệ Trang, Cốc Trang (làng Phong Cốc), Hoàng Trung Trang (Ngọc Trung), Lê Trang (làng Xá Lê)... càng chứng tỏ gốc rễ lâu đời của các làng này. Riêng làng Ngọc Trung, có nhà nghiên cứu cho rằng hình thành sớm hơn vì có nhiều gắn bó với làng Trung Lập ngay từ thời Tiền Lê. Ở hai làng này đến nay vẫn còn bảo lưu ngôn ngữ Việt cổ một cách khá đậm nét.

Đình làng Ngọc Trung được Nhân dân đóng góp, tôn tạo lại, khang trang và bề thế.

Đình làng Ngọc Trung được Nhân dân đóng góp, tôn tạo lại, khang trang và bề thế.

Địa hình, đất đai, khí hậu và sông ngòi là những điều kiện thuận lợi để người dân xã Xuân Minh nói chung, thôn Ngọc Trung nói riêng hoàn toàn có thể tự cung, tự cấp, thậm chí phát triển nghề nông. Ngoài việc trồng lúa nước, khoai, lạc, đỗ, bông và một số hoa màu khác... người dân trong xã có sự phân chia nghề phụ khá rõ ràng. Nếu người dân làng Phong Cốc chủ yếu làm nghề kéo sợi, dệt vải; Thuần Hậu đánh cá sông; Xá Lê có nghề làng quang gánh thì người dân Ngọc Trung làm tranh gắp, củi thuyền.

Trưởng thôn Ngọc Trung, ông Trịnh Văn Tài tự hào giới thiệu với chúng tôi: "Trước đây làng có khá nhiều di tích, trong đó đáng kể là nghè ca công, nghè thượng, nghè hạ, và đình làng. Tiếc là trải qua năm tháng, hiện nay chỉ còn duy nhất đình làng Ngọc Trung.

Nói về nghè ca công, trước đây làng nổi tiếng với truyền thống văn nghệ. Hồi thế kỷ X, ở làng Ngọc Trung có ông Phong Xà là người hát hay đàn giỏi ngay từ bé. Khi Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế thì ông được vời về kinh thành Hoa Lư để phụ trách việc hát múa trong cung điện. Sau đó, để tăng cường mối bang giao với nhà Tống, ông lại được đưa sang phục vụ trong cung đình nhà Tống. Với tài năng và đức độ của mình, ông Phong Xà đã chiếm được tình cảm của vua Tống nên sau đó đã được vua Tống gả con gái tên là Đào Hoa. Ở Trung Quốc được một thời gian, Phong Xà đã cùng vợ trở về Việt Nam để sống bằng nghề ca công của mình tại quê hương. Khi ông chết, đã được Nhân dân lập đền thờ và suy tôn là ông tổ nghề ca công. Vì thế, trước đây cứ vào ngày 15/11 âm lịch, tại đền thờ, Nhân dân lại tổ chức ngày hội ca công múa hát để tưởng nhớ đến ông. Và ba năm một lần gọi là khóa hàng sứ, tất cả hội ca công múa hát ở khắp các vùng, huyện trong ngoài tỉnh đều về đây dâng lễ và tổ chức hoành tráng, vui nhộn.

Sinh hoạt văn hóa rộn ràng, nhất là dịp tháng giêng. Làng Ngọc Trung cũng vừa tổ chức hội làng vào ngày 13 tháng Giêng. 6 dòng họ chính trong làng đều có lễ vật dâng lên thành hoàng với mong cầu một năm may mắn, thuận lợi cho mọi gia đình.

Một điều khiến người làng Ngọc Trung rất tự hào là dù có nhiều thời điểm cuộc sống rất khó khăn vất vả nhưng họ vẫn đề cao sự học. Thời phong kiến, trong làng có nhiều người học hành đỗ đạt cao, làm rạng danh cho làng, cho xóm.

Tuy nhiên nói đến vùng đất cách mạng Xuân Minh thì người ta nhắc nhiều nhất đến những chiến sĩ cộng sản anh dũng kiên cường trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược. Ở làng Ngọc Trung, nhiều câu chuyện về đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, từ khi làm bí thư chi bộ ghép của 4 làng Phong Cốc, Xá Lê, Thuần Hậu, Ngọc Trung (1938) đến khi là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ngoài ra, trong làng còn 12 vị lão thành cách mạng. Trong đó có các ông Trịnh Văn An, Trịnh Văn Ất, Trịnh Duy Lân, Trịnh Văn Hảo, Trịnh Văn Hoành,... và rất nhiều con em các dòng họ: Đỗ, Lê, Nguyễn, Ngô, Trần đã hy sinh và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Một góc làng Ngọc Trung.

Một góc làng Ngọc Trung.

Ghi dấu phong trào cách mạng, chiến công anh dũng của người dân, trên đất làng Ngọc Trung có 2 điểm di tích lịch sử cấp quốc gia. Để giúp chúng tôi hiểu hơn tại sao vùng đất này lại sinh ra nhiều người con kiên trung, Trưởng thôn Ngọc Trung, ông Trịnh Văn Tài cho biết: “Do vị trí cách xa tỉnh lỵ và là vùng ven rừng – nơi nối tiếp giữa đồng bằng với trung du và miền núi – nơi giáp ranh với nhiều huyện, lại có điều kiện kinh tế, giao thông thuận lợi, nên Xuân Minh sớm trở thành một trong những địa bàn lợi hại, rất cơ động và linh hoạt để Đảng bộ Thanh Hóa xây dựng chỗ đứng chân trong thời kỳ hoạt động bí mật”.

Sinh ra trên vùng quê cách mạng đó là động lực để thôi thúc mỗi người dân xã Xuân Minh nói chung, thôn Ngọc Trung nói riêng nỗ lực xây dựng quê hương phát triển. Hiện nay, thôn Ngọc Trung có 329 hộ với 1.260 nhân khẩu.

Ông Đỗ Huy Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Minh khẳng định: "Phát huy truyền thống cách mạng quê hương, những năm qua, Đảng bộ xã Xuân Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, trong đó trọng tâm là xây dựng vùng lúa giống tập trung với diện tích trên 170ha. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,... góp phần nâng cao thu nhập. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 65 triệu đồng/năm. Truyền thống cách mạng là động lực tinh thần quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Xuân Minh đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng đổi mới".

Bài và ảnh: CHI ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tren-dat-lang-ngoc-trung-35694.htm