Đặc sắc Lễ hội Tấc Ka Coong của đồng bào Cơ Tu- A Lưới

Tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, năm 2024, việc tái lễ hội Tấc Ka Coong giúp người dân và du khách khám phá kho tàng văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng bào Cơ Tu ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống phong phú với hơn 10 lễ hội, đặc biệt là Lễ hội Tậc Ka Coong - Lễ hội cúng Thần Núi. Đây là Lễ hội để người Cơ tu cúng tạ ơn thần núi, rừng, sông, suối trong phạm vi làng cai quản. Tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, năm 2024, việc tái lễ hội Tấc Ka Coong giúp người dân và du khách khám phá kho tàng văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lễ hội Tấc Ka Coong của người Cơ tu được tái hiện gồm các bước chính: Choh cọ ( lễ chôn cây nêu), Tong Ti rị (Lễ buộc trâu), Chươt Ti rị ( Lễ Đâm trâu) và lễ Tấc Ka Coong (Cúng thần Núi).

Tái hiện Lễ hội Tấc Ka Coong của người Cơ Tu

Tái hiện Lễ hội Tấc Ka Coong của người Cơ Tu

Các chàng trai, thiếu nữ Cơ Tu trong trang phục truyền thống

Các chàng trai, thiếu nữ Cơ Tu trong trang phục truyền thống

Sáng sớm, các vị già làng cùng các trưởng họ, tộc tiến hành nghi thức Chôn cây nêu (Choh cọ). Cây nêu được chôn xuống đất của làng cùng ước nguyện: Cây nêu là biểu tượng sức mạnh khối đại đoàn kết của con cháu làng bản, là biểu tượng của lễ hội, cầu nối giữa làng bản và các vị thần linh. Cây nêu là thông điệp cho khách qua đường đến với lễ hội. Cầu mong cây nêu luôn vững chãi, không nghiêng ngả, gãy đổ khi buộc trâu, cho lễ hội được thành công tốt đẹp…

Các diễn viên tham gia tái hiện lễ hội

Các diễn viên tham gia tái hiện lễ hội

Tiếp đến là nghi thức Toong Ty riq ây Cọ (Lễ buộc Trâu). Con trâu là linh vật chính dành cho lễ hội Tấc Ka Coong mà người Cơ tu dâng lên Thần Núi, Thần rừng, Thần sông, Thần suối. Sau đó là nghi thức Lễ Chượt Ti rị (Đâm trâu). Con cháu làng bản, đại diện cho tất cả các gia đình, dòng họ, trong làng tham gia nghi thức đâm trâu thể hiện tình đoàn kết. Các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, say sưa trong vũ điệu truyền thống Tân Tung Da Dặ.

Già làng cúng tế

Già làng cúng tế

Già Làng Hồ Văn Sáp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới cho hay: “Lễ Tấc Ka Coong này phục dựng theo tập quán ngày xưa của ông cha. Ba, bốn năm làm một lần, cùng ka coong, cùng xứ mường. Tập quán của dân tộc Cơ Tu phải luôn luôn được gìn giữ muôn đời”.

Các lễ vật của người Cơ Tu

Các lễ vật của người Cơ Tu

Mở đầu lễ hội Tấc Ka Coong là nghi thức dâng mâm cỗ cúng các vị thần linh. Người dâng mâm cỗ là những cô gái, chàng trai Cơ tu đẹp người, có tâm hồn thánh thiện, trong sáng được làng tuyển chọn. Các món ăn được chế biến từ những phần ngon nhất của các vật tế, trâu, bò, dê, heo, gà. Các món bánh a koat, a zưh, âng co,... được làm từ những hạt nếp nương dẻo thơm. Tất cả dâng lên các vị dàng, thần linh thưởng thức, chung vui cùng lễ hội. Tiếp đến các già làng tiến hành nghi thức Tậc đu chĕn (Cúng chín).

Lễ hội Tặc Ka Coong, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơ Tu

Lễ hội Tặc Ka Coong, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơ Tu

Mâm cỗ lễ hội Tấc Ka Coong bày trên bàn Pa Ra, cao ráo sạch sẽ, kính mời Thần Núi, Thần Rừng, Thần Sông, Thần Suối đến thưởng thức. Tạ ơn các vị thần đã ban cho con cháu, làng bản người Cơ Tu cuộc sống bình yên, no đủ, trưởng thành nên người. Cầu xin các vị thần tiếp tục bảo vệ che chở và ban cho con cháu, làng bản sức khỏe, may mắn, thịnh vượng, an lành, hạnh phúc…

Lễ hội thu hút người dân và du khách

Lễ hội thu hút người dân và du khách

Bà Hồ Thị Tư, Phó Trưởng phòng quản lý bảo tồn văn hóa và văn hóa nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện A Lưới cho biết: “Hai năm trước, chúng tôi tổ chức tái hiện lễ hội của dân tộc Pa Cô, dân tộc Tà Ôi. Năm nay, chúng tôi tiếp tục tái hiện lễ hội của dân tộc Cơ Tu để tiếp tục bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu”.

Lễ Tặc Ka Công được tái hiện theo nghi thức truyền thống Cơ Tu

Lễ Tặc Ka Công được tái hiện theo nghi thức truyền thống Cơ Tu

Các nghi thức cúng tế các vị Thần trọn vẹn, đủ đầy. Già làng cùng với con cháu làng bản cùng hòa theo tiếng chiêng, nhịp trống, vũ điệu Tân tung da dã nhịp nhàng uyển chuyển, cất lên lời ca nha nhim, ba boch chúc tụng nhau, gửi trao nhau những ánh mắt nụ cười thân thương gắn bó tình làng nghĩa bản “ Sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Chị Lê Thị Diệu, ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới tham gia tái hiện lễ hội Tấc Ka Coong tự hào vì người Cơ Tu huyện A Lưới ngày nay vẫn còn lưu truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của chính dân tộc mình.

Chị Diệu nói: “Khi được tham gia lễ hội Tấc Ka Coong của người Cơ Tu em cảm thấy rất tự hào và vinh dự khi được tham gia lễ hội mà ông cha ta truyền lại cho thế hệ trẻ. Chúng em cũng mong muốn được học hỏi để sau này lưu truyền lại, lưu giữ về sau và mãi mãi”.

Lễ vật dâng lên các vị thần

Lễ vật dâng lên các vị thần

Bà Châu Thị Hậu ở thành phố Đà Nẵng đến A Lưới đúng dịp này hào hứng cùng hòa mình với không khí Lễ hội Tấc Ka Coong tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, năm 2024: “Tôi cũng mới biết đến lễ hội này và lần đầu tiên tham gia. Đến đây không khí rất mát mẻ, mang lại cảm giác rất bình yên. Khi đến A Lưới, tôi thấy đời sống của các dân tộc ở đây rất phong phú. Mình lần đầu được trải nghiệm, cảm thấy rất thích”.

Mâm cỗ cúng các vị thần linh

Mâm cỗ cúng các vị thần linh

Bánh a koat được làm từ những hạt nếp nương dẻo thơm

Bánh a koat được làm từ những hạt nếp nương dẻo thơm

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Thời gian qua, huyện A Lưới có rất nhiều nỗ lực và thành công trong việc tái hiện, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Ông Hải nói: “Chúng tôi hy vọng với việc tái hiện các nghi thức truyền thống, các lễ hội truyền thống góp phần nuôi dưỡng truyền thống về văn hóa để bà con các dân tộc thiểu số hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa của mình. Qua đó, xây dựng lòng tự hào. Đó cũng là nền tảng để phát triển văn hóa bền vững. Các lễ hội này thường có màu sắc riêng và có độ hấp dẫn rất cao có thể chuyển thành các sản phẩm du lịch, dịch vụ rất tốt. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, đây cũng là cách để chúng ta quảng bá hình ảnh, quảng bá du lịch rất phù hợp để phát triển A Lưới thành điểm đến hấp dẫn của Huế trong việc phát triển du lịch, dịch vụ”.

Mâm cỗ lễ hội Tấc Ka Coong bày trên bàn Pa Ra kính mời Thần Núi, Thần Rừng, Thần Sông, Thần Suối đến thưởng thức

Mâm cỗ lễ hội Tấc Ka Coong bày trên bàn Pa Ra kính mời Thần Núi, Thần Rừng, Thần Sông, Thần Suối đến thưởng thức

Nghi thức dựng nêu

Nghi thức dựng nêu

Lễ hội Tấc Ka Coong- Cúng thần Núi là nét đẹp văn hóa truyền thống mang giá trị nhân văn sâu sắc của người Cơ Tu với ngọn núi, cánh rừng, con sông, dòng suối. Làng bản người Cơ Tu luôn sống biết ơn, tôn thờ và mãi gắn bó, chan hòa với vạn vật, thiên nhiên, nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/dac-sac-le-hoi-tac-ka-coong-cua-dong-bao-co-tu-a-luoi-post1095899.vov