Đặc sản 'hạ hỏa' làm từ 10 nguyên liệu, khách ăn giải ngấy sau Tết ở Hải Phòng
Được chế biến kỳ công từ nhiều nguyên liệu như thịt luộc, tôm, trứng rán,... và bún, rau sống nên đặc sản này luôn hút khách thưởng thức vào dịp Tết nhờ công dụng 'giải ngấy', làm thanh mát cơ thể sau những ngày tiệc tùng đầu năm.
Ở vùng đất Thủy Nguyên (Hải Phòng) có một món cuốn lạ miệng, đầy màu sắc luôn hút khách tìm mua vào bất cứ thời điểm nào trong năm là món bún cuốn. Đặc biệt trong dịp Tết, bún cuốn trở thành món ngon thanh mát, có tác dụng “giải ngấy” hiệu quả sau những bữa tiệc tùng, sum họp quá nhiều thức ăn.
Bún cuốn (hay còn được gọi là cuốn bún tôm, cuốn hành trần) là món ăn được sáng tạo và lưu giữ qua bao thế hệ của người dân làng Trịnh (thôn Trịnh Xá, xã Thiên Hương). Lâu dần, món ăn được nhiều người biết đến, trở thành đặc sản hấp dẫn của vùng đất Thủy Nguyên và được gọi tên là bún cuốn Thủy Nguyên.
Cách gọi này cũng là để dễ phân biệt cuốn Thủy Nguyên với các món cuốn ở nơi khác và thể hiện nét "tinh hoa" của món ăn, sự khéo léo của người đầu bếp.
Theo người dân địa phương, để làm món cuốn Thủy Nguyên ngon và đạt chuẩn thì cần chuẩn bị tới 10 nguyên liệu khác nhau gồm rau diếp (xà lách), rau mùi, rau răm, hành củ tươi (hoặc hành lá), thịt ba chỉ, trứng, đậu rán, tôm, giò lụa, bún.
Bún làm cuốn phải là bún răng bừa, sợi dài, thẳng mượt của làng Trịnh Xá; tôm nên lựa tôm đồng, kích thước đồng đều. Rau xà lách không được chọn cây có lá quá to, dập nát. Hành lá phải tươi, to, dài đều nhau.
Một số nguyên liệu cần làm chín cũng phải đảm bảo đẹp mắt như: Trứng rán phải mỏng, vàng óng; Tôm rang phải giòn, có màu đỏ tươi; Hành lá trần qua nước sôi sao cho hành mềm, dễ cuốn mà vẫn giữ được độ dai và có vị ngọt.
Bún được cắt thành từng đoạn ngắn vừa ăn. Thịt ba chỉ luộc, đậu rán cũng được thái thành các sợi nhỏ, mỏng, kích thước đều nhau. Việc chuẩn bị nguyên liệu phải thật tỉ mỉ để khi cuốn sẽ không bị rơi hay đứt, vỡ, từ đó đảm bảo tính thẩm mỹ cho món ăn.
Lấy một lá xà lách, gập lại rồi đặt lần lượt rau mùi, rau răm lên. Xếp tiếp bún, tôm, giò, đậu, thịt, trứng lên phần rau một cách khéo léo sao cho các nguyên liệu không che chắn nhau rồi lấy hành lá đã trần để cuộn lại.
Một chiếc cuốn đạt chuẩn cả về chất lượng và hình thức phải đảm bảo tổng hòa đủ màu sắc, gồm màu trắng của bún, màu vàng trứng rán, màu xanh của rau, màu đỏ của tôm,... Lá xà lách không được gói kín hết mà phải đủ rộng để khéo léo làm lộ rõ được các nguyên liệu bên trong.
Không chỉ đòi hỏi quá trình chế biến kỳ công, món cuốn Thủy Nguyên còn hút khách nhờ bát nước chấm chua ngọt dậy mùi thơm của tỏi, ớt. Nước chấm phải được pha từ mắm nguyên chất, có đủ vị mặn của mắm, độ ngọt của đường, chua của chanh, thơm của tỏi và cay của ớt…
Nhờ sự tổng hòa hương vị của thịt, rau, tạo độ thanh mát mà món bún cuốn Thủy Nguyên rất được ưa chuộng vào dịp Tết, giúp giải ngấy hiệu quả sau những bữa tiệc tùng, sum họp đầu năm.
Nếu có dịp đến Thủy Nguyên, du khách có thể tìm mua và thưởng thức món cuốn này ở các khu chợ lớn trên địa bàn huyện như chợ Trịnh Xá (xã Thiên Hương); chợ Xưa (xã An Lư); chợ trung tâm thị trấn Núi Đèo…
Thực khách có thể gọi số lượng cuốn tùy theo sức ăn. Mỗi chiếc có giá khoảng 2.500 - 3.000 đồng (tùy thời điểm, thay đổi theo giá cả nguyên liệu).
Không chỉ là món ăn truyền thống, mang đậm bản sắc của vùng đất Thủy Nguyên, món cuốn hấp dẫn này hiện đã lan tỏa tới nhiều địa phương, tỉnh thành trong cả nước. Ở mỗi nơi, tùy theo điều kiện và sở thích mà người ta có thể làm món cuốn với các nguyên liệu khác nhau.