ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI BÀN GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận toàn thể hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn trước tình trạng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể đều tăng cao. Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn để có những quyết sách kịp thời ngay tại kỳ họp này nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động.

Quốc hội thảo luận toàn thể hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Quốc hội thảo luận toàn thể hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Trong không khí sôi nổi, thảo luận thẳng thắn và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, các cấp và ghi nhận đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức.

Năm 2023 đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát cơ bản được kiểm soát. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Kịp thời thực hiện các chính sách đối với người có công với nước, an sinh xã hội và giảm nghèo. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hành chính nhà nước được đẩy mạnh. Kết quả 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, vốn FDI, đăng ký kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, khách du lịch và thu ngân sách đều tăng cho với cùng kỳ năm 2023. Khu vực công nghiệp, xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận

Bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý một số vấn đề bất cập, hạn chế và đề nghị nhận diện rõ hơn những khách quan, thách thức để chỉ đạo, điều hành tương thích phù hợp, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2024. Trong đó, tình trạng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022, lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn so với lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là điều khiến nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn.

Doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều cần phải được quan tâm, bảo vệ và được trao cơ hội, động lực phát triển

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị chỉ rõ, trong 4 tháng đầu năm ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và bình quân có khoảng trên 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường/tháng. Ủy ban Kinh tế đã nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 4 tháng đầu năm thấp hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Ngày 27/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật số liệu cho thấy trong tháng 5/2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 9,2% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường là 11,4 nghìn doanh nghiệp. Nhưng tính chung cả 5 tháng đầu năm 2024 thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 10,5%, còn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng nêu rõ trong bất kể hoàn cảnh nào, doanh nghiệp vẫn luôn là nền tảng vật chất quan trọng của nền kinh tế, do đó hơn bao giờ hết doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp bé cũng cần phải được quan tâm, được bảo vệ và được trao cơ hội, động lực để yên tâm, vững tin phát triển, trong đó chú trọng các giải pháp.

Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển, nhưng trước những con số biết nói trên, doanh nghiệp khó khăn thì chúng ta phải làm gì là câu hỏi được các đại biểu đặt ra. Do đó, cần phân tích, đánh giá kỹ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là đối với khối doanh nghiệp tư nhân để có những quyết sách kịp thời, giải pháp hiệu quả ngay tại kỳ họp này nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động.

Khẳng định doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, là xương sống của nền kinh tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội, song, đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra những số liệu cho thấy những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, đầu tư khu vực tư nhân 4 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 2,4%, đầu tư tư nhân còn thấp, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất so với nhiều năm trước. Mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 khó có thể đạt được.

Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đánh giá thực trạng về những hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp chưa được quan tâm

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, nguyên nhân của tình trạng trên có ảnh hưởng từ những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới, hậu COVID-19, doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ chiếm đa số, nhiều doanh nghiệp năng lực quản trị, tiềm lực phát triển, sức cạnh tranh, ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức kinh doanh còn hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai còn vướng mắc, bất cập, khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn khó khăn.

Còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ nên việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách còn chậm, như công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính kéo dài, do việc lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan, làm gia tăng chi phí thời gian cho doanh nghiệp, giảm cơ hội thu hút đầu tư.

Công tác dự báo tình hình, khảo sát, đánh giá thực trạng về những hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp chưa được quan tâm. Hằng năm số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng thuộc ngành nghề nào, quy mô doanh nghiệp nào, nguyên nhân chính là gì cũng chưa có dữ liệu phân tích cụ thể, làm cơ sở để đưa ra những giải pháp thuyết phục.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Thứ hai, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn cực sau đại dịch COVID-19 của các doanh nghiệp. Thứ ba, các chính sách, các quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng, nấc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cho các doanh nghiệp giải thể.

Đặc biệt quan tâm đến khó khăn trong thị trường đầu ra của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phân tích, doanh nghiệp hiện nay đang thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Đây là khó khăn nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ khi diễn ra dịch COVID-19, dù đến nay tình trạng này đã, đang được cải thiện nhưng vẫn là khó khăn lớn của doanh nghiệp. Tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ năm 2023 đến nay đã khiến cho doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu.

Thứ hai, cầu tiêu dùng trong nước tăng ở mức độ thấp. Tính trung bình 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng khoảng 8,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 13,3%. Trong khi đó, thành tố chính của cầu tiêu dùng là doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 77,3%, chỉ tăng ở mức vừa phải là 7,1% so với cùng kỳ, thể hiện sức cầu tiêu dùng trong nước còn yếu. Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam năm 2023 đã ghi nhận ở dưới mức 50 điểm, là mức suy giảm các điều kiện sản xuất kinh doanh trong 9/12 tháng, phản ánh những khó khăn của nền kinh tế.

 Đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Thời gian qua, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, lãi suất ngân hàng đã liên tục giảm và duy trì ở mức thấp, các ngân hàng hiện nay vẫn đang tiếp tục cuộc chạy đua giảm lãi suất cho vay và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng nhằm tăng trưởng tín dụng; các chương trình ưu đãi đưa ra cũng được tập trung hướng vào hoạt động sản xuất tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp do khó khăn, đặc biệt là vì thị trường đầu ra nên giảm quy mô sản xuất, thậm chí dừng đầu tư; người dân thì có tâm lý thận trọng, tiết kiệm chi tiêu dẫn đến không có nhu cầu vay vốn. Đây là nguyên nhân trọng yếu khiến cho tín dụng khó tăng trưởng và cũng phản ánh độ hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp.

Nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý

Về các giải pháp, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với những giải pháp Chính phủ đưa ra, đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị sớm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh mới dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật và làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Một số đại biểu đề nghị quan tâm, chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp. Đồng thời, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị Chính phủ có các giải pháp, như tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động; nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ; chủ động kịp thời trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai, nhất là vấn đề xác định giá đất cụ thể.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa các luật quan trọng mới được thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm có hiệu lực thi hành.

Các đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các ban Hội đồng nhân dân của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến dự khán phiên thảo luận

Các đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các ban Hội đồng nhân dân của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến dự khán phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Việt Hà kiến nghị thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, trong đó tăng cường vai trò của các chính sách tài khóa như các chính sách đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua như miễn giảm gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu để mở rộng kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hạn chế dần nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ nghiên cứu để trình Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu

Tiếp thu các ý kiến, đồng thời giải trình làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát huy được hiệu quả; khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng truyền thống cũng như động lực tăng trưởng mới tháo gỡ những khó khăn cơ chế, những thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư công để đầu tư và kích hoạt vốn đầu tư tư trong hình thức đối tác công - tư. Tiếp tục thúc đẩy mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán cũng như ký kết các hiệp định về FTA cũng như cuộc vận động để kích cầu thị trường trong nước. Tiếp tục đầu tư thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87175