Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc xem xét, thông qua luật trong một kỳ họp

Chiều 13-2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Các đại biểu dự phiên thảo luận chiều 13-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên thảo luận chiều 13-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Về quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra trước đó đã cơ bản tán thành với định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản. Đây cũng là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội (ĐB) khi thảo luận tại hội trường.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) kiến nghị nên cân nhắc quy định trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội về cơ bản là trong 1 kỳ họp.

Theo ĐB, thực tế cho thấy những năm qua, nhiều dự án luật mặc dù đã có quá trình xây dựng, lấy ý kiến góp ý rất kỹ lưỡng, nhưng khi trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét vẫn còn rất nhiều các ý kiến khác nhau, tạo nên sức nóng trong nghị trường, thu hút rất nhiều sự quan tâm của cử tri. Nhiều nội dung sau khi thảo luận tại Quốc hội, dự thảo mới được tiếp thu đã thay đổi rất nhiều, thậm chí nhiều nội dung khác hẳn với quan điểm của Chính phủ.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

“Việc xem xét kỹ lưỡng các dự thảo luật trong hai hay nhiều kỳ họp, là sự cẩn trọng cần thiết trong công tác xây dựng luật. Đặc biệt là khi mục tiêu của chúng ta là xây dựng các luật mang tính ổn định và khả năng dự báo cao, thì việc cho ý kiến và xem xét các dự thảo càng phải kỹ lưỡng hơn. Nếu vội vàng thì khó làm kỹ lưỡng được, gây ảnh hưởng chất lượng của văn bản”, ĐB phát biểu, đồng thời đề nghị giữ nguyên quy trình thông thường để xem xét, thông qua các luật của Quốc hội là 2 kỳ họp như hiện nay. Đối với một số trường hợp cần thiết, đã có các quy định về việc xây dựng luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) phân tích những lợi ích khi Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết trong một kỳ họp thay vì 2 kỳ họp như trước đây. Đặc biệt là tạo ra sự linh hoạt và kịp thời trong điều chỉnh chính sách phù hợp với những dự án luật mang tính cấp bách, cần phản ứng nhanh với thực tiễn. Đồng thời giảm nguy cơ chậm ban hành văn bản luật ảnh hưởng đến công tác quản lý và điều hành nói chung của đất nước.

Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Khải cũng cho rằng, khi luật được thông qua trong 1 kỳ họp rút gọn từ 1 năm xuống còn 6 tháng đặt ra những thách thức, phải có giải pháp để giải quyết; cần quy định rõ tiêu chí nào thì được áp dụng quy định trình 1 kỳ họp. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, trong đó Bộ Tư pháp phải chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát, đánh giá tác động trước khi trình Quốc hội.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, vấn đề tham vấn chính sách rất quan trọng, các cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, của người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan soạn thảo phải là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện tham vấn chính sách trong quá trình xây dựng luật pháp.

Cũng về vấn đề tham vấn chính sách, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, dự thảo luật quy định các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm cho ý kiến tham vấn. Trong đó, các ủy ban phải tổ chức hội nghị lập báo cáo về kết quả tham vấn chậm nhất 20 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu, phải gửi báo cáo kết quả tham vấn đến cơ quan soạn thảo; các ủy ban cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung tham vấn và thời hạn tham vấn.

 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB cho rằng quy định về tham vấn là cần thiết. Nếu áp dụng quy định này với các ủy ban của Quốc hội là chưa hợp lý vì nhiều lý do, cũng chưa phù hợp với Hiến pháp vì Điều 75, Điều 76 quy định về chức năng, nhiệm vụ của các ủy ban chỉ mới đề cập chức năng thẩm tra, giám sát, không quy định trách nhiệm tham vấn đối với các vấn đề nêu trong dự thảo. ĐB cho rằng, quy trình lấy ý kiến hoàn thiện chính sách trước khi trình Quốc hội là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo; cần cân nhắc bỏ quy định về trách nhiệm tham vấn chính sách đối với các ủy ban của Quốc hội.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga lại cho rằng, việc bổ sung quy định về tham vấn chính sách các cơ quan, đối tượng chịu sự tác động, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án luật là rất cần thiết, thể hiện sự đồng hành, vào cuộc và trách nhiệm của Quốc hội từ sớm trong quá trình xây dựng luật. Bên cạnh đó, việc tham vấn ý kiến các đối tượng tác động là vô cùng quan trọng, đồng thời cũng vừa là hình thức tuyên truyền cho nhân dân, các đối tượng chịu tác động trực tiếp về các quan điểm, chính sách mới sắp được ban hành.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ban-khoan-viec-xem-xet-thong-qua-luat-trong-mot-ky-hop-post781761.html