Đại biểu Quốc hội: 'Cần có giải pháp chặn đứng việc giá đất nhảy múa, rất kỳ lạ'

'Đã đến lúc Chính phủ cần tập trung các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà quản lý giỏi về đất đai để bàn giải pháp nhằm 'chặn đứng' các bất cập về giá đất'...

Thảo luận tại tổ về kết quả kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhận định, thời gian qua, giá đất nhảy múa chưa từng thấy, rất kỳ lạ. Trước tình trạng này, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh đã đến lúc Chính phủ cần tập trung các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà quản lý giỏi về đất đai để bàn giải pháp nhằm "chặn đứng" các bất cập về giá đất.

"Nếu không kịp thời ngăn chặn các vấn đề về giá nhà đất, sẽ gây tiêu cực rất lớn, từ giá đất sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác"- đại biểu Nguyễn Anh Trí lo ngại.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận

Cho ý kiến về những vấn đề còn tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, về giải ngân vốn đầu tư công đến nay chưa đạt 50% kế hoạch năm 2024, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân kết quả giải ngân đạt thấp và giải pháp để từ nay đến hết năm nhằm hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phân tích, số liệu tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng qua là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng tỷ lệ doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường cũng cần được xem xét, đánh giá nghiêm khắc hơn về nguyên nhân, cả về chủ quan và khách quan, để có hướng giải quyết. Về vấn đề này, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn năm trước.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho phát triển, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc phân cấp, phần quyền hiện nay chưa rõ ràng, mạch lạc, chưa đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương lưởng lợi”. “Nếu đã quyết “cởi trói” thì cần xác định rõ nội dung, phần việc, trách nhiệm cụ thể, tránh việc nhùng nhằng, không dứt khoát, “nửa muốn, nửa không” khiến địa phương rất khó thực hiện”, đại biểu nói và cho rằng để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì pháp luật phải tường minh, quy định rõ hơn, cụ thể hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa trong việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân, tiêu dùng; khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng. Đồng thời, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, cũng như các chính sách về tín dụng - tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các ngành, lĩnh vực bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 vừa qua, nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhấn mạnh con người là trung tâm và là động lực phát triển, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) cho rằng cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn. Đại biểu cũng cho rằng hoàn thiện thể chế là vấn đề cốt lõi, đồng thời đề xuất cần có sự đánh giá toàn diện về xã hội hóa giáo dục và y tế, cùng với việc xác định vai trò của đầu tư công và tư nhân.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ công bố mức sống và tiền lương tối thiểu để các địa phương dễ dàng thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp.

Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chỉ số phát triển con người, hạnh phúc và yêu cầu xây dựng bộ chỉ số hạnh phúc quốc gia, cũng như có báo cáo đánh giá về chỉ số phát triển con người của Việt Nam trên thế giới.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-co-giai-phap-chan-dung-viec-gia-dat-nhay-mua-rat-ky-la-post593650.antd