Đại biểu Quốc hội: Cần luật riêng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo
Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN QUANG HUÂN (ảnh), ĐBQH khóa XV, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng tái tạo về lâu dài cần phải có một luật riêng.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, những khó khăn, vướng mắc chủ yếu của các doanh nghiệp (DN) trong quá trình đầu tư cũng như khai thác các dự án điện năng lượng tái tạo hiện nay là gì?
Ông NGUYỄN QUANG HUÂN: - Trước hết, chúng ta nhìn vào nội dung Quy hoạch Điện VIII, có thể thấy Nhà nước không khuyến khích, hay nói đúng hơn là không cho phép hoặc không đề cập tới điện năng lượng mặt trời từ nay cho tới năm 2030. Điện gió cũng bị hạn chế, chỉ được cho phép vài ngàn MW.
Ngay cả điện gió được cấp “quota” công suất vài ngàn MW hiện nay cũng vẫn vướng, bởi hiện nay Quy hoạch Điện VIII mới được ban hành, trong khi những văn bản để hướng dẫn thực hiện như nghị định, thông tư, giấy phép từ các địa phương về cơ chế giá vẫn chưa có.
Lấy đơn cử như câu chuyện điện gió, bây giờ cho đấu thầu hay không, và hình thức ra sao cũng chưa có. Cùng với đó, các công trình dự án đã thực hiện khi ký hợp đồng với EVN sẽ như thế nào cũng chưa hoàn thiện. Cơ sở pháp lý chưa có thì chủ đầu tư không thể thực hiện được. Do đó nhiều dự án đang triển khai vẫn tạm dừng, những dự án đã vận hành chủ đầu tư vẫn phải chờ.
Đó là nói về điện gió, còn điện mặt trời còn bi quan hơn. Vừa rồi, Bộ Công Thương mới cho phép đưa vào sử dụng điện năng lượng mái nhà - nguồn năng lượng tái tạo được bán trực tiếp. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP cách đây mấy ngày, quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Nhưng nghị định mới ban hành cũng cần thời gian để chuẩn bị. Ngay cả Nghị định 80 cũng cần phải có thông tư hướng dẫn, khi bán như thế nào, các bên gặp nhau, đàm phán ra sao. Tóm lại cơ sở pháp lý hiện nay chưa đủ để cho các nhà đầu tư triển khai các dự án điện tái tạo nói chung và điện gió, điện mặt trời nói riêng như trước đây.
Đặc biệt, mấu chốt hiện nay vẫn chưa có cơ chế giá. Vì khi đã thiếu cơ chế giá, DN có muốn làm hoặc đã làm cũng không biết bán ra sao, hoặc bán điện cho EVN thì các hợp đồng đó có thể bị lỗ, ai chịu trách nhiệm về những khoản lỗ đó cho nhà đầu tư cũng chưa rõ ràng. Trong khi trước đây là thỏa thuận hợp đồng theo FIT (giá điện cố định được hỗ trợ để trả cho các nhà sản xuất), nhưng đến nay đã hết hiệu lực pháp lý.
- Vậy theo ông tháo gỡ những vướng mắc trên như thế nào?
- Muốn tháo gỡ những vướng mắc đã nói trên có 2 điểm quan trọng cần gỡ. Thứ nhất, khi đã có Nghị định 80 rồi cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, rút ngắn thời gian thực thi. Bởi thời gian càng kéo dài các DN càng phải chịu lỗ bấy nhiêu.
Hiện nay các DN vẫn đang chờ Bộ Công Thương ban hành các thông tư hướng dẫn. Thứ hai, các văn bản hướng dẫn để triển khai kế hoạch nội dung Quy hoạch Điện VIII cần phải sớm ban hành. Vì ngay bây giờ hợp đồng mua bán điện với EVN vẫn chưa có, do đó không thể triển khai được.
- Trong Quy hoạch Điện VIII, điện mặt trời không được đề cập đến nhiều, song rõ ràng đây là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh tự nhiên không thể bỏ qua. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
- Theo tôi nguồn điện nào cũng có mặt thuận và không thuận. Thí dụ điện gió cũng phải theo mùa, gió năm yếu, năm khỏe. Điện mặt trời chỉ phát ban ngày, không phát ban đêm. Thủy điện cũng căn cứ vào mực nước, mùa mưa, thủy văn từng năm. Điện than chúng ta phải nhập khẩu, phụ thuộc vào nước ngoài và còn chịu ảnh hưởng về ô nhiễm môi trường. Các nguồn điện khác, như điện hạt nhân rất rẻ, rất ổn định, nhưng để quản lý lại là một thách thức đối với chúng ta.
Tôi chỉ hy vọng rằng, khi khoa học ngày càng phát triển, công nghệ thông tin sẽ được áp dụng vào vận hành mạng lưới truyền tải. Thí dụ như hệ thống tự động hoàn toàn, lúc điện mặt trời, điện gió đang truyền tải điện lên lưới, thì các nguồn điện khác sẽ giảm tải đi. Trong khi hiện nay hệ thống điều tiết lưới điện của chúng ta khá thủ công, bằng Trung tâm điều độ hệ thống điện thiếu sự minh bạch, gây e ngại đối với các nhà đầu tư.
Tôi được biết hiện nay đối tác Nhật Bản đang rất muốn nghiên cứu mô hình tích hợp giữa điện mặt trời và điện gió. Thời gian gần đây, chúng tôi cũng đã tiếp cận 1 số địa phương cho phép thực hiện thử nghiệm nghiên cứu mô hình này. Tuy nhiên, phía địa phương còn đang lo lắng về hiện tượng quá tải của điện mặt trời như ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Ngoài ra, có thể kết hợp cả công nghệ nhiệt điện mặt trời của Israel, sẽ giải quyết triệt để vấn đề quá tải cục bộ của lưới truyền tải. Những dự án thử nghiệm ban đầu như thế có thể không mang lại lợi nhuận, nhưng sẽ tạo tiền đề để chúng ta làm tiếp cho các dự án khác phục vụ sự phát triển bền vững của ngành năng lượng quốc gia. Halcom sẵn sàng đi tiên phong và thực hiện sứ mệnh này.
- Với tư cách là thành viên cơ quan xây dựng, tham vấn, giám sát thực thi chính sách về khoa học, môi trường và công nghệ của Quốc hội, theo ông cần những giải pháp căn cơ gì để tháo gỡ điểm nghẽn một cách tổng thể trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay?
- Trong ngắn hạn cần giải tỏa 2 điểm nghẽn như tôi đã nói ở trên. Nhưng về lâu dài, để phát triển năng lượng tái tạo phải có luật về năng lượng tái tạo riêng. Đơn cử như hiện nay, nếu cứ thực hiện giá FIT thì EVN cũng sẽ bị quá tải về mạng lưới. Vì hiện nay mạng lưới truyền tải điện của EVN chỉ tiếp nhận được điện năng lượng tái tạo ở mức hạn chế, do không có đủ nền để chạy.
Trong khi đặc thù của điện năng lượng tái tạo là phát không đều, có lúc quá tải như trường hợp điện mặt trời chẳng hạn, ban ngày phát nhưng đêm lại không có. Đây là bài toán cần phải có những giải pháp tổng thể, và để làm điều này cần phải có luật về năng lượng tái tạo và cần phải có chính sách toàn diện hơn về phát triển ngành công nghiệp điện năng lượng tái tạo.
Thậm chí, nếu luật ra đời còn là cơ sở pháp lý quan trọng để từ đó có thể hình thành nên các quỹ vốn dành cho đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, từ đó san sẻ được bớt gánh nặng dựa nhiều vào vốn tín dụng, cũng như giảm thiểu được rủi ro cho các nhà đầu tư. Còn như hiện nay, nhất là các nhà đầu tư đã bỏ vốn vào các dự án, đã thấy rõ những rủi ro.
- Xin cảm ơn ông!
LƯU THỦY (thực hiện)