Đại biểu Quốc hội: Công thức tính giá cơ sở xăng dầu không đáp ứng kịp giá thị trường
Việc bán nhỏ giọt xăng dầu thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân,trong đó nguyên nhân công thức tính giá cơ sở xăng dầu không đáp ứng kịp giá thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề hàng lang Quốc hội, đại biểu Trần Lâm- đoàn Bắc Giang cho rằng, điều bất cập lớn nhất trong quan lý mặt hàng xăng dầu hiện nay là phối hợp đa ngành trong công tác quản lý, thiếu tính đồng bộ, đây không phải trách nhiệm của riêng ngành Công Thương.
“Dư luận thường cho rằng cứ thiếu xăng dầu là trách nhiệm của Bộ Công Thương, nhưng phải nhìn nhận kỹ ngoài Bộ Công Thương còn có 7 bộ ngành, trong đó có Bộ Tài chính tính toán định mức chi phí cho các khâu vận chuyển, nhập khẩu hay phân phối xăng dầu. Chỗ này tôi muốn nói là trách nhiệm phối hợp của các ngành chưa có sự đồng bộ chưa kịp thời, thiếu hiệu quả”- đại biểu chỉ ra.
Hiện Quốc hội thảo luận về Luật Giá (sửa đổi), tới đây sẽ sửa Luật giá, cụ thể Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước về nguyên tắc chung trong Luật giá, còn cụ thể tính toán đến định mức chi phí sẽ tập trung vào một đầu mối là Bộ Công Thương.
“Bộ Công Thương là cơ quan trực tiếp hàng ngày theo dõi nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên từng lĩnh vực biết được doanh nghiệp phải chi cái gì đóng góp ra sao Bộ sẽ tính toán những yếu tố đó để xác định tỷ lệ chi phí, chiết khấu theo tôi sẽ hiệu quả sát với thực tế và kịp thời hơn. Đây cũng là một giải pháp khắc phục tình trạng kinh doanh xăng dầu hiện nay”- đại biểu Trần Lâm trao đổi.
Về việc bán nhỏ giọt xăng dầu thời gian qua, đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn Bình Dương cho rằng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hiện nay, không chỉ câu chuyện của riêng Bộ Công Thương mà do công thức tính giá cơ sở xăng dầu không đáp ứng kịp giá thị trường và cơ chế sử dụng quỹ bình ổn giá mất thời gian, liên quan đến 7 bộ, ngành.
Do đó, đại biểu cho rằng các bộ, ngành cần bàn bạc tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu xăng dầu sẽ có được giải pháp xử lý căn cơ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh đến nguyên tắc thị trường khi nhiều cây xăng, đại lý hiện nay không mặn mà kinh doanh vì không có nhiều lợi ích. Do đó, ông đề nghị các Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần phải tìm hiểu thực trạng này, có biện pháp khắc phục và điều tiết lợi ích sao cho hợp lý.
"Phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Quan trọng là nhất là lợi ích của doanh nghiệp và người dân" - đại biểu nói.
Về vấn đề giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, vị đại biểu này đề nghị cần đẩy nhanh dù Nhà nước có thể giảm nguồn thu, nhưng có thể hỗ trợ rất lớn đến doanh nghiệp và người dân.
Quỳnh Nga- Lan Anh