Đại biểu Quốc hội đồng thuận giao ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng giáo viên

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái – đoàn Lạng Sơn đồng thuận giao ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái – đoàn Lạng Sơn.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái – đoàn Lạng Sơn.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái – đoàn Lạng Sơn thống nhất cao với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật trình tại kỳ họp. Nội dung dự thảo đã bao quát tổng thể các vấn đề liên quan đến nhà giáo.

Đại biểu tán thành giao cho ngành Giáo dục chủ động tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt về thừa thiếu cục bộ nhà giáo và khắc phục được việc mất cân đối chất lượng giáo dục giữa các vùng miền.

Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái góp ý vào Khoản 2, Khoản 3, Điều 43 “Quản lý nhà giáo trong cơ sở giáo dục”. Theo đó, đại biểu đề nghị bỏ đối tượng cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ tại khoản 2; đưa chung các cơ sở giáo dục công lập vào khoản 3 (không phân biệt đơn vị tự chủ hoặc không tự chủ).

Đại biểu nêu lý do, theo khoản 1 điều 43, dự thảo Luật Nhà giáo, nội dung quản lý nhà giáo trong cơ sở giáo dục có công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cán bộ quản lý, nhiệm vụ trên phải thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý cấp trên theo quy định về công tác cán bộ.

Đồng thời, cơ quan quản lý cấp trên còn thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ ngoài phạm vi của đơn vị tự chủ. Do vậy, giao quyền toàn bộ cho cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ sẽ không đồng nhất với quy định hiện nay về công tác cán bộ.

Đồng thời, đơn vị tự chủ hiện nay được phân chia thành nhiều nhóm phụ thuộc mức độ tự chủ tài chính. Tại Điều 9, Nghị định 60/2021/NĐ-CP có 3 nhóm đơn vị tự chủ gồm:

Thứ nhất, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư;

Thứ hai, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên;

Thứ ba, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Dự thảo Luật Nhà giáo không chỉ rõ cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ thuộc nhóm nào thì được thực hiện quy định tại khoản 1. Vì vậy nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này để cơ quan quản lý chủ động phân cấp, giao quyền cho các cơ sở giáo dục nếu đủ điều kiện.

 Ảnh minh họa/Báo Giáo dục và Thời đại.

Ảnh minh họa/Báo Giáo dục và Thời đại.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái ấn tượng và đồng tình cao với phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: Dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn những nghệ sĩ giỏi dạy cho các cháu, có hợp đồng luôn. Thể dục, thể thao cũng như thế, mời vận động viên, hoặc là mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ. Học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ, tùy gia đình, tùy khả năng và năng khiếu các cháu đăng ký.

Theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, chia sẻ của Tổng Bí thư như là lời chỉ đạo mở đường trong tư duy quản trị giáo dục.

Việc hợp đồng với nghệ sỹ, ca sỹ, nhạc sỹ, vận động viên thể thao, họa sỹ… giảng dạy các môn năng khiếu trong cơ sở giáo dục là cơ hội cho học sinh được phát triển tài năng, năng khiếu; khắc phục những khó khăn trong việc thiếu giáo viên năng khiếu như hiện nay.

“Để có thể thực hiện những nội dung trên, tôi đề nghị Dự thảo Luật Nhà giáo nên thiết kế 1 điều khoản khung liên quan đến vấn đề này và giao cho Chính phủ Quy định” - Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái góp ý.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dai-bieu-quoc-hoi-dong-thuan-giao-nganh-giao-duc-chu-dong-tuyen-dung-giao-vien-post730392.html