Đại biểu Quốc hội: Giao việc, không trao quyền sẽ dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm
Nhiều đại biểu đồng tình việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và coi đây là 'chìa khóa' để giải quyết 'nút thắt' thể chế, đảm bảo rõ người, rõ việc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.
![Quang cảnh kỳ họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_293_51466963/540293eba2a54bfb12b4.jpg)
Quang cảnh kỳ họp.
Ngày 13/2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ trong đó có nội dung về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Bên cạnh những ý kiến đóng góp cụ thể vào từng điều khoản, các đại biểu tập trung phân tích về sự cần thiết của việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa đồng thời nhấn mạnh sự đi kèm giữa giao việc và trao quyền để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm trễ tiến độ công việc.
Tháo gỡ "nút thắt" thể chế
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định việc phân cấp, phân quyền trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là một trong những cơ chế then chốt để giải quyết những "nút thắt" về thể chế đang tồn tại.
“Nếu không có phân cấp và trao quyền, các cấp thực thi khi gặp những quy định không phù hợp sẽ phải liên tục hỏi ý kiến cấp trên, gây ra tình trạng chờ đợi. Đây là tồn tại do cơ chế quản lý theo hành vi, tức là luật pháp đưa ra các quy trình chi tiết và người thực hiện phải tuân thủ một cách máy móc," ông Cường nói.
"Vì thế, giao việc mà không trao quyền thực hiện sẽ dẫn tới việc trông chờ, ỷ lại, thậm chí đùn đẩy và phải hỏi," đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh đồng thời đề nghị khi phân cấp, tức là giao việc cần phải trao quyền trong việc thực hiện các công việc đó.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Cường nhắc đến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Luật không thể quy định chi tiết đến từng cách thức làm thế nào, mà chỉ quy định những vấn đề mang tính chất nguyên tắc, yêu cầu. Từ những nguyên tắc, yêu cầu đó sẽ trao quyền cho các cấp địa phương, những cấp trực tiếp thực hiện."
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng một trong những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong quá trình tổng kết là vấn đề phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, chưa hợp lý. "Có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót không đầu tư thích đáng," bà Hà nhận xét.
Bà Hà khẳng định việc đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương là chủ trương được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" đã được Tổng Bí thư chỉ đạo trong nhiều hội nghị quan trọng.
"Nội dung phân cấp, phân quyền đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nay được bổ sung tại Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cho thấy quyết tâm của Chính phủ đối với vấn đề này," bà Hà nói.
![Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ ngày 13/2. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_293_51466963/a5a36c4a5d04b45aed15.jpg)
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ ngày 13/2. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Nhấn mạnh việc Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định việc phân quyền phải được quy định trong luật, còn phân cấp được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (như Nghị định, Thông tư…), bà Hà cho rằng việc phân quyền là thể hiện quyền lực giữa các cấp chính quyền địa phương, do đó cần rõ ràng hơn về các điều kiện thực hiện quyền lực để các quyền lực được giao được thực hiện một cách hiệu quả.
Theo bà Hà, việc phân cấp có tính chất cá biệt nên trong nhiều trường hợp phải được thực hiện quy định bổ sung để đảm bảo quyền lực đồng thời dễ xảy ra bất cập, đặc biệt là vấn đề bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ phân cấp xuống địa phương. Vì vậy, cần có các quy định để đẩy mạnh việc phân quyền.
"Xét thấy những nội dung nào có thể phân quyền được thì chúng ta phân quyền luôn tại Luật," đại biểu Trần Thị Nhị Hà khuyến nghị.
Trong khi đó, đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) cho rằng nếu tổ chức quản lý Nhà nước không tinh gọn, hiệu quả, chi phí không cắt giảm và không đổi mới phương thức quản lý, sẽ xuất hiện những "điểm nghẽn" thể chế, khiến không giải phóng được các nguồn lực và đất nước khó phát triển.
"Vì vậy, cần tập trung vào việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng quan trọng hơn là tập trung vào đổi mới bộ máy quản lý nhà nước và phải tập trung nhiều hơn giải quyết điểm nghẽn thể chế," đại biểu Quân nhấn mạnh.
Đảm bảo cơ chế giám sát và hiệu lực thi hành
Bên cạnh những thảo luận về chủ trương chung, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý cụ thể về từng điều khoản trong Dự án Luật về các vấn đề như tổ chức bộ máy, cơ chế giám sát và hiệu lực thi hành.
Đại biểu Hà Phước Thắng (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đạo luật có tính nền tảng, chi phối các cấu trúc tổ chức ở địa phương. Với cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy đang được triển khai, Luật cần thiết được ban hành mới, chuyển tải những điểm đột phá về thể chế quản lý, thay vì chỉ dừng ở mức sửa đổi.
Ông Thắng đề xuất cơ quan soạn thảo nên tách các quy định về chính quyền đô thị sang Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt và Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò là "luật khung" đưa ra các nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong cả nước.
"Luật khung giúp tạo ra một nền tảng chung để đảm bảo tính thống nhất và phối hợp giữa các cấp chính quyền, từ đó các địa phương có thể phát triển và áp dụng các quy định cụ thể sao cho phù hợp với đặc thù của mình," ông Thắng giải thích.
![Đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đạo luật có tính nền tảng, chi phối các cấu trúc tổ chức ở địa phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_293_51466963/2a31e2d8d3963ac86387.jpg)
Đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đạo luật có tính nền tảng, chi phối các cấu trúc tổ chức ở địa phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại biểu Hà Phước Thắng cũng đề nghị làm rõ các khái niệm "phân quyền", "phân cấp", "ủy quyền" để làm rõ sự khác biệt giữa các hình thức này và minh bạch, thuận tiện trong quá trình thực hiện. Ông cũng đề nghị quy định cụ thể tại dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định về các loại nhiệm vụ có thể ủy quyền và các nhiệm vụ không được ủy quyền để tránh tình trạng lạm dụng.
Bên cạnh đó, đại biểu Thắng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực và đề nghị bổ sung chế tài xử lý khi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ ủy quyền. Trong đó, Luật quy định rõ trách nhiệm của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền khi có sai phạm.
"Cần tăng cường kiểm soát và đánh giá hiệu quả ủy quyền theo hướng quy định báo cáo định kỳ về việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, bổ sung cơ chế thu hồi ủy quyền nếu đơn vị thực hiện không hiệu quả," ông Thắng nói.
Ngoài ra, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cho biết đồng tình cao với việc tiếp tục thực hiện chính quyền Hội đồng Nhân dân ở các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã.
Ông Vận cho rằng việc duy trì Hội đồng Nhân dân cấp xã sẽ đảm bảo tính dân chủ, khách quan trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ. Ông cũng nhất trí với việc tiếp tục thiết kế tăng tính chủ động, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
"Khi giao trách nhiệm, phân quyền tăng lên thì để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo khẩn trương và có hiệu quả, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao hơn và cũng phải có thẩm quyền cao hơn," ông Vận phân tích và lưu ý quyền lực phải gắn với trách nhiệm và cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền lực không bị lạm dụng.
Về vấn đề đối thoại với nhân dân, đại biểu Vận cho rằng việc lấy ý kiến của nhân dân nên có một cuộc trực tiếp.
"Ngoài hội nghị trực tiếp, chúng ta có thể tổ chức các hội nghị trực tuyến hoặc qua mạng để xin ý kiến về những vấn đề có sự quan tâm của nhân dân," ông Vận nói.
Bày tỏ sự tâm đắc với việc Luật lần này tăng mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các cấp chính quyền, song Đại biểu Ngô Đông Hải (đoàn Thái Bình) cho rằng nếu không đi sâu vào nội hàm của các khái niệm này sẽ không có những quy định thật sự rõ, đầy đủ và đến lúc thực hiện sẽ bị vướng hoặc không đảm bảo chặt chẽ được.
Ông Hải phân tích thẩm quyền của bất kỳ một tổ chức nào cũng có hai loại quyền tự thân và quyền được giao cho.
"Nếu hiểu thứ bậc thì phân quyền là cao nhất. Do đó, khi một chủ thể được phân quyền thì gần như có ‘hoàn toàn quyền’ đó. Và, quyền do cấp cao hơn giao, người được phân quyền chỉ có trách nhiệm báo cáo và trình việc kiểm tra giám sát," ông Hải nói.
Với quan điểm như trên, đại biểu Vũ Hải Quân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) có thêm một số lưu ý. Cụ thể, Điều 19 liên quan đến việc phân cấp cho chính quyền địa phương, Ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng về phạm vi trách nhiệm, đối tượng nhận phân cấp cũng như khả năng tiếp tục phân cấp để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế từng địa phương. Ông cũng đề nghị cân nhắc cơ chế cho phép cấp trên giao quyền cho cấp dưới trong trường hợp cấp dưới đủ khả năng đảm nhiệm mà không cần sự hỗ trợ thêm từ cấp trên.
Về ủy quyền cho chính quyền địa phương tại Điều 20, ông Quân đề nghị cần quy định thời gian thực hiện tối đa để tránh tình trạng lạm dụng hoặc kéo dài. Mặt khác, ông cũng đề xuất bổ sung quy định về việc Hội đồng nhân dân ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp giải quyết một số vấn đề phát sinh đồng thời làm rõ nội dung, trình tự thực hiện việc ủy quyền này.
Đặc biệt về hiệu lực thi hành, đại biểu Quân cho rằng việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần được triển khai sớm nhằm đáp ứng các mục tiêu cải cách và đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Theo đó, các quy định về đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương cũng như cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong Luật phải được thực thi kịp thời để đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Quân lưu ý đến quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thời điểm có hiệu lực của văn bản. Ông đề xuất nên xác định thời điểm thực hiện thống nhất trong cả nước và thời điểm có hiệu lực thi hành Luật là từ ngày 1/7/2025./.