Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần đặc biệt coi trọng việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho cả trẻ em và các bậc cha mẹ trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ con em mình trên môi trường mạng.
Cần nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Ngày 20/11, tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Từ kết quả được nêu trong Báo cáo và từ thực tiễn tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đại biểu góp ý về vấn đề tăng cường hiệu quả hơn nữa việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với người dân và đội ngũ cán bộ công tác ở cơ sở.
Đại biểu cho rằng, công tác phổ biến pháp luật hiện đang còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, điển hình là: kinh phí dành cho việc phổ biến pháp luật còn ít ỏi và đang rất dàn trải, khó có thể triển khai sâu rộng. Quan điểm, nhận thức của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa thực sự thấy được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng còn bị xem nhẹ. Nguồn nhân lực để làm công việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng đang thiếu và yếu…
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và có những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với các đối tượng cán bộ cấp xã, người làm việc không chuyên trách tại cơ sở và đề nghị đặc biệt quan tâm tới nội dung tuyên tuyền, giáo dục về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật" được quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo với các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng, trong đó cần đặc biệt coi trọng việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho cả trẻ em và các bậc cha mẹ trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ con em mình trên môi trường mạng.
Liên quan đến vấn đề tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo gia tăng nhiều, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, cử tri phản ánh trong thời gian qua xuất hiện nhiều tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người dùng rồi nhắn tin, gọi điện lừa đảo với nội dung yêu cầu chuyển tiền bằng nhiều lý do rồi chiếm đoạt.
Do đó, cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là với người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân có thêm thông tin; cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp quyết liệt để đấu tranh trấn áp loại tội phạm này; xem xét, điều tra việc có hay không có việc để lộ lọt thông tin cá nhân của người dân từ phía những cá nhân, tổ chức có nắm giữ thông tin cá nhân của người dân.
Đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đánh giá cao kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, nhưng thực tế còn nhiều vấn đề đã được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã xác nhận là đúng nhưng việc giải quyết quá lâu, khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đơn cử vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn của cả nước. Đây là vấn đề cử tri quan tâm từ rất lâu và bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào của Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhiều lần ghi nhận và hứa và sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp và gần nhất là công văn số 5527 ngày 30 tháng 12 năm 2022 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ tư quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này.
Tại phiên thảo luận, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề hạ độ tuổi người được hưởng bảo trợ xã hội đã được quy định tại Luật Người cao tuổi…
"Theo đó, trong Luật này quy định 80 tuổi mới được hưởng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên qua ý kiến mà đại biểu Quốc hội nêu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghi nhận, chủ động báo cáo chuyển sang nội dung này sang Luật Bảo hiểm xã hội, trước mắt là hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, còn việc quyết định cuối cùng sẽ là ở Quốc hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Về chính sách nhà ở người có công, hộ nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn trước, chúng ta đã triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công ban đầu là 80.000 căn nhà, sau đó phát sinh lên và Chính phủ cũng đã thực hiện đầy đủ cho giai đoạn một. Hiện nay, giai đoạn hai theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội cho phép, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… Còn về phía trách nhiệm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là thẩm định hồ sơ chứ không chủ trì trong đề án này…
Đối với vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề mà trong Nghị quyết của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh. Chính phủ đã có Nghị quyết chuyên đề, giao trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các ngành và đang triển khai các phương án khác nhau.
Tuy nhiên tình hình vừa qua chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí là có tăng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các ngành với chức năng của mình, đặc biệt là trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ trẻ em đã ban hành và đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, sẽ cố gắng trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hơn việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nếu có.