Đại biểu Quốc hội thảo luận về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

Tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, ngày 26/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong khuôn khổ Hội nghị, các ĐBQH chuyên trách đã đóng góp ý kiến vào việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với mặt hàng bia rượu, thuốc lá…

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VPQH cung cấp.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VPQH cung cấp.

Việc áp thuế TTĐB cần được xem xét một cách thận trọng, toàn diện

Đóng góp ý kiến về điều chỉnh thuế TTĐB đối với ngành bia, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP Đà Nẵng nêu quan điểm: Việc áp thuế cần được xem xét một cách thận trọng, toàn diện, đặc biệt là trên 3 khía cạnh về việc làm, thu ngân sách địa phương, thu ngân sách Nhà nước nói chung và sức khỏe người tiêu dùng.

Về tác động của việc áp thuế TTĐB với ngành bia đến việc làm, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, ngành bia hiện nay đang tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên cả nước, từ người nông dân trồng nguyên liệu, nhà máy sản xuất đến hệ thống vận chuyển, phân phối và bán lẻ. Việc tăng thuế đột ngột, mạnh tay như đề xuất như hiện nay sẽ khiến giá bia hợp pháp tăng cao, kéo theo sự sụt giảm tiêu thụ và doanh thu, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự.

 Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Từ những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Ban soạn thảo tiến hành đánh giá tác động toàn diện, minh bạch, có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu độc lập, đặc biệt là xem xét tác động đến việc làm và thu ngân sách địa phương…

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc tăng thuế TTĐB đối với ngành bia là bao nhiêu, lộ trình, thời điểm áp dụng như thế nào thì cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, hợp lý, khoa học và thực tiễn, nhất là đánh giá đầy đủ, đúng đắn những tác động không mong muốn nếu áp mức thuế mới này. Đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn để duy trì tồn tại và phát triển sau đại dịch COVID-19.

 Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận định, các phương án dự kiến tăng mức thuế TTĐB đều dẫn đến giá tăng cao, người tiêu dùng có thể sẽ tìm đến các sản phẩm rẻ tiền hơn và kích hoạt sản xuất thủ công, buôn lậu, vừa gây thất thu thuế, gia tăng rủi ro sức khỏe đối với người tiêu dùng và những hệ lụy khác làm cho mục đích tăng thuế không thể thực hiện được.

Mặt khác, việc tăng thuế mặt hàng rượu, bia sẽ có tác động ảnh hưởng đến hàng chục mặt hàng đầu vào nguyên liệu và ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của hàng triệu người, trong khi họ chưa sẵn sàng cho việc thay đổi này sẽ tạo ra cú sốc làm quan ngại về việc làm và an sinh xã hội.

 Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VPQH cung cấp.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VPQH cung cấp.

Để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đại biểu Hoàng Đức Thắng ủng hộ áp dụng phương án thuế theo phương án 1 của dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng có thời gian thích nghi với việc tăng thuế mới; đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước và điều tiết tiêu dùng, hướng tới mục đích hài hòa lợi ích sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách cho Nhà nước trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân.

Sớm sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá

Đề cập về quy định thuế TTĐB đối với thuốc lá, đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thống nhất với quy định về đối tượng chịu thuế TTĐB đối với thuốc lá, thống nhất với quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

 Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Theo đại biểu, quy định như vậy cũng phù hợp với đối tượng chịu thuế đã quy định trong Luật Thuế TTĐB hiện hành, chỉ có thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá là đối tượng chịu thuế TTĐB và phù hợp với Nghị quyết 173 của Quốc hội. Trong đó, cấm sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.

Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị không quy định các loại thuốc lá khác, thuốc lá mới, nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là đối tượng chịu thuế TTĐB.

Về thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá, hiện còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, đại biểu Đỗ Thị Lan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá 20 điếu và xì gà có trọng lượng 20 gam/điếu. Đối với các bao thuốc lá có số lượng khác với quy định trên thì giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về việc bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối đối với thuốc lá, đại biểu Đỗ Thị Lan thống nhất phương pháp tính thuế tuyệt đối đối với thuốc lá và lộ trình tăng thuế theo phương án 2 của dự thảo thảo Luật, vì các lý do đã được phân tích trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách...

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-ve-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-thuoc-la-175032.html