Đại biểu Quốc hội tranh luận về việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội

Thảo luận tại hội trường về Luật Tư pháp người chưa thành niên, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận khá sôi nổi về việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội ra xét xử riêng.

Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên (NCTN), đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, việc tách vụ án khi có NCTN phạm tội ra để giải quyết quyết độc lập và ưu tiên giải quyết thủ tục rút gọn là cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi cho NCTN phạm tội, đúng với quy định chủ trương của Đảng, Nhà nước và Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật khắc phục tồn tại của Bộ luật Hình sự hiện hành, đó là giảm thời hạn tạm giam với người chưa thành niên từ 2/3 so với người trưởng thành bằng ½ thời gian tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử là điều cần thiết, phù hợp với thực tế hiện nay.

Bởi qua nghiên cứu báo cáo của các cơ quan chức năng thấy rằng, NCTN thường đồng phạm với vai trò người giúp sức trong các tội Tổ chức đánh bạc, Đua xe trái phép, hoặc trong một số tội nguy hiểm hơn như Cố ý gây thương tích.

Các em phạm tội trong hoàn cảnh bị dụ dỗ, và nhận thức còn hạn chế, dễ bị kích động; phần lớn các em là học sinh trong các trường nghề, phổ thông trung học… Nếu chờ thời gian để điều tra trong vụ án có nhiều người, nhiều đối tượng, thậm chí có đối tượng người nước ngoài, các em sẽ mất đi cơ hội học tập, làm việc khi phải chờ giải quyết xong vụ án trong thời gian dài.

Hơn nữa, nếu để NCTN bị điều tra, truy tố, xét xử chung với người lớn sẽ phát sinh vướng mắc, hạn chế khi phân công người tiến hành tố tụng để đấu tranh với tên chủ mưu, cầm đầu là đối tượng côn đồ chuyên nghiệp, đối tượng nguy hiểm.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) phát biểu

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) phát biểu

Đại biểu cũng cho rằng, việc tách vụ án để đảm bảo xác định sự thật vụ án khách quan, đúng đắn nhất. Bởi lẽ, khi ra Tòa, đối mặt với đối tượng chủ mưu cầm đầu, đối tượng côn đồ, nguy hiểm… sẽ làm cho các em có tâm lý lo sợ, không dám khai đúng sự thật…

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) không đồng tình với quy định cứng trong dự thảo luật buộc tách các đối tượng chưa thành niên phạm tội trong cùng vụ án ra với người lớn.

Theo đại biểu Sang, việc xét xử chung là cơ sở để hội đồng xét xử đánh giá toàn diện vụ án, xác định chính xác vai trò từng đối tượng trong vụ án. Nếu tách vụ án sẽ phải tách giai đoạn điều tra, xét xử...nên có thể dẫn đến một số bất cập trong quá trình tố tụng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) thảo luận

"Ví dụ có 5 bị can phạm tội cướp giật, trong đó có một đối tượng người chưa thành niên. Khi tách vụ án, tách giai đoạn điều tra, xét xử tuyên mức án 3 năm tù cho các đối tượng người lớn phạm tội 3 hành vi. Song, quá trình điều tra phát hiện NCTN thực hiện 4 hành vi phạm tội. Vậy, xét xử lại những đối tượng đó như thế nào?", đại biểu nêu.

Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng, việc quy định cứng tách vụ án không cần thiết, dự luật cần ưu tiên giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội và tùy từng đối tượng để có cơ sở tách hay không tách.

Còn theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), không phải khi nào tách vụ án cũng tốt, chỉ khi cần thiết và đảm bảo công bằng và có lợi mới cần tách vụ án.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tranh-luan-ve-viec-tach-vu-an-co-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-post580410.antd