Đại biểu Quốc hội: Tránh người thu nhập cao tranh mua nhà ở xã hội
Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, sáng 19/6 Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đó là các quy định liên quan đến đối tượng và giá bán, quy hoạch của của nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – đoàn Lâm Đồng cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng lần sửa đổi luật lần này do vậy cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.
Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp của cả ba bên: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cũng đề nghị tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.
“Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, nhờ đó sẽ không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định rách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội. Có như vậy người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận”- đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành- đoàn Thái Nguyên đề nghị bổ sung khái niệm căn hộ, bởi dự thảo mới chỉ giải thích khái niệm chung cư, trong chung cư có nhiều căn hộ nên phải giải thích khái niệm căn hộ là môt đơn vị nhà ở đảm bảo diện tích tối thiểu và các điều kiện phục vụ sinh hoạt cơ bản cho cá nhân, hộ gia đình…
Đồng thời, dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hôi, trong đó cần xác định rõ và đúng thống nhất nội hàm nhà ở xã hội. Đại biểu đề nghị ở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận.
Để tránh tình trạng người thu nhập cao tranh mua nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, trả lời bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- đoàn Hải Dương cho rằng: Quy định về đối tượng mua nhà ở xã hội đã có và rất cụ thể rõ ràng, quy định chặt chẽ trong việc lập và thẩm định hồ sơ nhưng tại sao vẫn có trường hợp người có thu nhập cao tranh mua nhà ở xã hội với người thu nhập thấp?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu, cần có cuộc tổng rà soát xem đối tượng nào đang ở trong những căn nhà ở xã hội? Phải rà soát chế tài xử lý đã có và đã đủ mạnh hay chưa, công tác xét duyệt tiến hành ra làm sao? Đặc biệt cần phải sớm đưa cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung và chuẩn hóa dữ liệu vào để khai thác. Có như vậy nhà ở xã hội mới đến được đúng đối tượng và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Quan tâm tới quy định về kế hoạch phát triển nhà ở, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn TP. Hà Nội cho rằng, phải nâng kế hoạch lên 5 năm chứ không phải hàng năm. Bởi một dự án đầu tư nhà ở có chu kỳ từ 3 đến 5 năm, nếu quy định hàng năm sẽ không có sự thay đổi phù hợp. Hơn nữa, kế hoạch phát triển 5 năm cũng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, khi kinh tế xã hội phát triển đến đâu thì đưa kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp đến đó.
Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với việc quy định kế hoạch phát triển ở thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân địa phương. Tuy nhiên, nhiều nhà ở mang tính liên vùng, có sự di chuyển về người sử dụng. Do đó, đôi khi một số địa phương quyết định độc lập có thể không đầy đủ thông tin, nên cần phải có thông tin ở tầm rộng hơn, có liên ngành, liên quan đến nhiều vùng, nhiều địa phương khác. Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng, trước khi được địa phương ra quyết định thì nên tham khảo ý kiến của một cơ quan có tầm bao quát lớn hơn.
"Tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng là cần thiết, đây chỉ là tham khảo chứ không phải một điều kiện bắt buộc"- đại biểu lưu ý.