Đại biểu Quốc hội ý kiến về 'quy định cứng' tỷ lệ 75% quỹ cho công đoàn cơ sở
Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tiếp tục được 'mổ xẻ' trong phiên làm việc QH sáng nay. Nhiều ý kiến cho rằng cần linh hoạt trong quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75%.
Sáng nay, 18/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng cần nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở cũng như khẳng định việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là cần thiết.
Đặc biệt, một số đại biểu đề nghị quy định chi “tối thiểu 75%” kinh phí quỹ cho công đoàn cơ sở nhằm bảo đảm linh hoạt chăm lo đời sống cho người lao động.
Không nên “quy định cứng” tỷ lệ
Trong dự thảo luật dự án Luật Công đoàn sửa đổi, việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn được cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án. Thứ nhất, Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Phương án 2, xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75% nguồn kinh phí.
Bàn về hai phương án này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết ủng hộ phương án 2 nhưng đề nghị ban soạn thảo bám sát tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ: “Sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả.”
Đại biểu Hữu Thông đề xuất không quy định cứng công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75% và công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%. Theo đại biểu, nên quy định theo hướng tối thiểu 75% và tối đa 25% để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng không nên quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% nêu trên, mà việc điều tiết tỷ lệ này cần linh hoạt để tăng cường bố trí nguồn kinh phí cho các hoạt động của công đoàn cơ sở, là nơi trực tiếp chăm lo đời sống cho người lao động.
Theo đại biểu Việt Nga, kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, số còn lại phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
“Để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của Công đoàn cơ sở, là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, tôi cho rằng nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như Khoản 2 Điều 30 dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ 'tối thiểu' và tỷ lệ 'tối đa',” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Cần minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn
Bàn về cách sử dụng nguồn kinh phí công đoàn, đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội chọn phương án giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính này. Bởi theo đại biểu Chính phủ sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí; khắc phục tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn.
Đại biểu Phi Thường đề nghị nêu rõ trong dự luật là thống nhất quản lý nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn, gồm cả kinh phí và đoàn phí công đoàn. Tổng Liên đoàn sẽ hướng dẫn thực hiện.
Trong khi đó, đại biểu Âu Thị Mai, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng cần tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh mới có thể bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, duy trì các nguồn lực hiện có, thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Song, để việc sử dụng kinh phí công đoàn hiệu quả, đại biểu tỉnh Tuyên Quang đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, đồng thời để đạt hiệu quả cao trong việc công khai tài chính, đảm bảo tính công khai minh bạch, Ban soạn thảo quy định việc công khai tài chính hàng năm cần được tổ chức thông qua Hội nghị toàn thể đoàn viên công đoàn của cơ quan, tổ chức đơn vị để đoàn viên công đoàn nắm và trao đổi khi cần thiết…/.
Trước đó, tại tờ trình dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong các nguồn thu cho tổ chức này hoạt động, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng chiếm 57-64%, đoàn phí do người lao động đóng 25-27%, nguồn thu khác 11-16% và ngân sách nhà nước khoảng 1%.
Báo cáo của Tổng liên đoàn cho biết giai đoạn 2013-2019, khoảng 81,5% nguồn kinh phí tại cấp công đoàn cơ sở chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; còn lại chi cho lương, phụ cấp và quản lý hành chính.
Tuy nhiên, theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công năm 2019 của Tổng liên đoàn, tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 là hơn 20.200 tỷ đồng nhưng chỉ 46% được sử dụng chăm lo trực tiếp cho người lao động.
Dự án Luật Công đoàn sửa đổi sau khi được cho ý kiến tại kỳ họp này, sẽ được sửa đổi, bổ sung để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 8, dự kiến diễn ra vào tháng Mười tới.