Đại biểu Thạch Phước Bình: Hoàn thiện quy định của pháp luật về mua bán thai nhi trong quy định của pháp luật mua bán người

Sáng ngày 24/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Tham gia thảo luận này, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh cho rằng, tình hình tội phạm mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, đặc biệt là các hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xem xét bổ sung quy định liên quan đến hành vi này vào Luật Phòng, chống mua bán người.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, theo các công ước quốc tế như Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, trẻ em, bao gồm cả thai nhi, cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.

Một số quốc gia đã quy định cụ thể hành vi mua bán thai nhi là tội phạm. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, luật pháp của một số bang có những quy định rõ ràng về việc cấm mua bán thai nhi và coi đó là một hành vi phạm tội nghiêm trọng. Việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng ngày 24/6,

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng ngày 24/6,

Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, thai nhi, mặc dù chưa sinh ra, nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người. Việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn.

Mặt khác, việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các hành vi mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho cả thai nhi và bà mẹ mang thai. Thực tế cũng cho thấy, hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng và trở nên phức tạp, nhất là trong bối cảnh những vụ việc này thường liên quan đến các đường dây tội phạm có tổ chức. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để các vụ việc liên quan.

Theo đại biểu Bình, việc bảo vệ thai nhi đồng thời cũng là bảo vệ bà mẹ mang thai khỏi những hành vi cưỡng bức, ép buộc phải bán con mình. Thực tế cho thấy, nhiều bà mẹ mang thai bị ép buộc hoặc lừa gạt để bán thai nhi của mình vì các lý do kinh tế hoặc tình cảm. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của bà mẹ mang thai, đồng thời ngăn chặn các hành vi ép buộc, lừa gạt. Mặc dù việc bổ sung quy định này là cần thiết, nhưng đại biểu Bình cũng cần lưu ý đến những khó khăn trong thực thi. Việc điều tra, thu thập chứng cứ và xác định hành vi phạm tội có thể gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh các giao dịch này thường diễn ra ngầm và không công khai. Do đó, theo đại biểu, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, đảm bảo quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo và trang bị cho các cơ quan chức năng để họ có thể thực thi luật một cách hiệu quả và nghiêm minh.

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Từ phân tích nêu trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Điều này sẽ giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung điều khoản riêng biệt về mua bán thai nhi bao gồm các quy định cụ thể về hành vi mua bán thai nhi, các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật, đồng thời đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Cùng với với đó, đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho rằng nên bổ sung nội dung về biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi. Việc nâng cao nhận thức sẽ giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm và tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tốt hơn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

KIẾN QUỐC

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/dai-bieu-thach-phuoc-binh-hoan-thien-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-mua-ban-thai-nhi-trong-quy-dinh-cua-phap-luat-mua-ban-nguoi-38127.html