Dai dẳng nỗi lo thiếu cát

Được cảnh báo từ hơn một năm trước nhưng tới nay, tình trạng thiếu cát (cát đắp nền, cát xây dựng) ở khu vực phía Nam vẫn diễn biến phức tạp, dai dẳng chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Hậu quả khiến hàng loạt công trình xây dựng, gồm nhiều công trình trọng điểm quốc gia có nguy cơ chậm tiến độ.

Dự án An Hữu - Cao Lãnh là một trong những dự án đối mặt với tình trạng thiếu cát. Ảnh: Đoàn Xá.

Dự án An Hữu - Cao Lãnh là một trong những dự án đối mặt với tình trạng thiếu cát. Ảnh: Đoàn Xá.

Với quyết tâm thực hiện, dự án đường Vành đai 3 TPHCM trên địa bàn TPHCM đang có tiến độ rất tốt và dần lộ hình hài. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày cuối tháng 3/2024, tại công trình qua địa bàn huyện Hóc Môn (TPHCM), nhiều trụ cầu, móng cầu cạn đã được xây dựng. Được khởi công từ tháng 6/2023, dự án quan trọng này nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, khi dự án được tiến hành gấp rút đã mang tới nhiều hy vọng.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt là Ban giao thông), chủ đầu tư dự án, hiện công trình cần 4,7 triệu m3 cát, chủ yếu trong giai đoạn từ quý II tới quý IV năm nay.

Ông Phúc cho biết, vừa qua tổ công tác của TPHCM làm việc với một số địa phương và 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh đã cam kết sẽ cung cấp 60 mỏ cát để thực hiện dự án trên. Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng các mỏ cát, tiến độ khai thác, trữ lượng từng mỏ cũng là vấn đề lớn khi thời gian đang cận kề.

Tương tự, dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên ở TPHCM cũng đang hối hả thi công. Tuy nhiên, mốc thời gian hoàn thành dự án (tháng 4/2025) có thể bị đe dọa lùi lại cũng vì nguyên nhân thiếu cát xây dựng.

Theo Ban giao thông (chủ đầu tư), hiện dự án thực hiện được gần 40% khối lượng công việc và sẽ cần khoảng 1,8 triệu m3 cát đắp nền thời gian tới. Ban đầu, số lượng cát trên dự kiến được lấy từ các mỏ ở tỉnh An Giang và Đồng Tháp nhưng hiện nay đang vướng vào thủ tục pháp lý cấp phép.

Hiện vấn đề nan giải hơn chính là các dự án xây dựng đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có trữ lượng cát lớn cung cấp cho cả vùng phía Nam.

Cụ thể, dự án xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (thuộc trục cao tốc Bắc - Nam) dài hơn 110km khởi công tháng 1/2023, hiện đã xây dựng được hơn 20% khối lượng công việc. Tuy nhiên, mấy tháng qua, nhiều gói thầu phải thi công cầm chừng vì thiếu cát. Theo kế hoạch, dự án này cần tới gần 19 triệu m3 cát. Trong đó, tỉnh An Giang và Đồng Tháp cung cấp 7 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long chịu trách nhiệm cung cấp 5 triệu m3. Hiện các địa phương đang gặp một số vấn đề khó khăn về trữ lượng, thủ tục pháp lý cũng như phải phân chia nguồn nguyên vật liệu này cho nhiều dự án khác nhau. Hậu quả là dự án hiện đang chậm tiến độ 6 tháng so với kế hoạch.

Dự án xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu cát trầm trọng. Theo chủ đầu tư, dự án cần tới 31 triệu m3 cát và hiện còn thiếu khoảng 8 triệu m3 để phục vụ thi công. Điều khó khăn là nguồn nguyên liệu cát của dự án này cũng dự kiến được khai thác từ các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… mà các địa phương này cũng đang gặp các khó khăn nhất định. Song song đó, hiện một số tuyến cao tốc khác có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng đang được gấp rút thi công là cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cùng nhiều dự án đường tỉnh, huyện khác đang triển khai đã đẩy nhu cầu cát ở khu vực phía Nam lên cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, về mặt lý thuyết, trữ lượng cát ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn khá dồi dào nhưng thông thường, các mỏ cát sẽ không được cấp phép để khai thác toàn bộ trữ lượng, bởi cát ở đây được hình thành chủ yếu do phù sa từ thượng nguồn. Do đó, việc khai thác đồng loạt sẽ tác động đến dòng chảy, xói mòn và có nguy cơ sạt lở đất. Trong khi đó, việc sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế (cát biển, vật liệu tro sỉ… để thay cát đắp nền) cũng đối mặt với một số thủ tục pháp lý do các dự án nêu trên được quy hoạch từ vài năm trước, nên nếu thay thế các loại vật liệu trong quy hoạch trước đây sẽ cần nhiều thủ tục, thời gian với nhiều cơ quan quản lý thẩm định, phê duyệt.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dai-dang-noi-lo-thieu-cat-10276055.html