Đại trà truy xuất nguồn gốc mở 'cánh cửa' tiêu thụ nông sản cho HTX
Không chỉ xuất khẩu mà nông sản của các nước cũng đang đổ về Việt Nam nên việc các HTX chủ động thực hiện truy xuất nguồn gốc một cách rộng rãi sẽ giúp nông sản Việt tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc mua hàng hóa không chỉ đơn giản là lựa chọn sản phẩm mình cần, mà nhiều người tiêu dùng còn chủ động tìm hiểu và xác thực để đảm bảo mua đúng sản phẩm chính hãng. Do đó, các sản phẩm như măng tây, dưa leo, dưa lưới… của HTX Phú Thành (Hải Dương) đều được dán tem truy xuất nguồn gốc để tránh được sự nghi ngờ của khách hàng và nhà phân phối. Đến nay, nông sản của HTX Phú Thành đã được tiêu thụ tại các các siêu thị, cửa hàng rau sạch ở trong và ngoài tỉnh.
'Tấm visa' để vào thị trường xuất khẩu
Thống kê cho thấy, chỉ trong quý I/2024, cơ quan quản lý đã xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về vấn đề không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều HTX làm ăn chân chính rất bức xúc trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gây ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ cho chính các HTX này. Như xoài của HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) đã nhiều lần bị mạo danh làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của HTX.
Một đại diện của công ty xuất khẩu ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này đang có nhu cầu thu mua, hợp tác hoặc bao tiêu các mặt hàng trái cây tươi phục vụ xuất khẩu. Yêu cầu là các HTX, doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này phải có nông sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic quốc tế; vùng trồng ở miền Nam, Tây Nguyên… và được truy xuất nguồn gốc, truy xuất được quy trình canh tác, nguồn giống phải có bản quyền.
Vị đại diện này cũng cho biết công ty luôn muốn hợp tác với những HTX có vùng trồng đạt tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc hơn là những đơn vị chỉ đứng ra thu gom vì điều này rất khó đảm bảo khâu truy xuất nguồn gốc, từ đó đẩy rủi ro về phía công ty xuất khẩu.
Qua đây để thấy, vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều quan trọng trong kinh doanh, xuất khẩu. Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho biết sản phẩm tốt là sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc khi đó sẽ thuận lợi cho thâm nhập hệ thống siêu thị ở nước ngoài. Và muốn bán hàng vào siêu thị, đơn vị sản xuất phải có tất cả giấy phép an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vùng trồng. Đây giống như là visa nếu muốn xuất khẩu nông sản.
Bà Lê Phương Chi, Giám đốc HTX thanh long Hàm Minh (Bình Thuận), cho biết truy xuất nguồn gốc là sự bắt buộc, nó quan trọng như thủ tục hải quan. Khi mặt hàng của HTX được dán tem truy xuất nguồn gốc thì giá trị của nó sẽ được nâng lên.
Chẳng hạn như quả thanh long được dán tem truy xuất nguồn gốc, sau đó tiêu thụ tại siêu thị thì giá có thể lên khoảng 15.000 đồng. Nhưng một quả thanh không được truy xuất nguồn gốc và bán tại chợ thì có khi, giá chỉ khoảng 5.000 đồng. Vì vậy, đầu tư để nông sản dán được tem, truy xuất được nguồn gốc sẽ gia tăng được giá trị cho nông sản.
Chưa mang tính đại trà
Truy xuất nguồn gốc đóng vai trò quan trọng trong việc làm minh bạch thông tin sản phẩm, ngăn chặn hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại. Từ đây, người tiêu dùng, nhà sản xuất và cơ quan quản lý có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về sản phẩm. Các cơ quan quản lý, HTX cũng dễ dàng kiểm tra, theo dõi nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ trong công tác thanh tra liên quan đến nhập khẩu, vận chuyển và lưu thông hàng hóa trên thị trường.
Một khảo sát của EU với gần 40 doanh nghiệp, HTX ở Việt Nam cho thấy, 100% các hộ nông dân trồng trọt và bán hàng ra chợ truyền thống không áp dụng công nghệ trong truy xuất. Đối với các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu tỷ lệ áp dụng công nghệ trong truy xuất là 60%. Còn đối với HTX và doanh nghiệp phân phối vào kênh hiện đại, tỷ lệ áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc là 40%.
Những con số này cho thấy, việc truy xuất nguồn gốc phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng cũng như mục tiêu tiêu thụ sản phẩm của HTX, doanh nghiệp.
PGS.TS. Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA), cho biết việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hiện nay chưa thực sự bao phủ là do các cơ quan, bộ ngành chức năng mới chỉ đạo nghiên cứu xây dựng các nền tảng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc trên quy mô, phạm vi Nhà nước nên gây lúng túng cho các địa phương, HTX trong thực hiện. Hiện, một số mô hình kinh tế tập thể, HTX áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nhưng mới chỉ dừng áp dụng ở quy mô thí điểm, nhỏ, chưa mang tính đại trà.
Các doanh nghiệp, các nhà cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc đa số hiện nay thuộc khối tư nhân. Họ tuy rất nhiệt tình, đầu tư, phát triển các giải pháp truy xuất nguồn gốc áp dụng trong nông nghiệp nhưng phần lớn chưa trúng mục tiêu, yêu cầu chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc của ngành nông nghiệp, nên phần lớn hoạt động cầm chừng hoặc sai hướng. Việc kết nối giữa doanh nghiệp này với các HTX chưa thực sự bền chặt.
Do vậy vẫn xảy ra tình trạng sản xuất nhưng nhật ký trồng trọt vẫn thực hiện chủ yếu bằng giấy thủ công, việc truy xuất nguồn gốc phổ biến thay bằng Tem Qr - Code mã hóa thông tin sản phẩm không có giám sát, quản lý. Điều này vô hình đã biến nông sản sản xuất tự do thành nông sản chất lượng.
Theo ông Mai Quang Vinh, để nâng cao hiệu quả của truy xuất nguồn gốc, cần hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX áp dụng các giải pháp quản trị sản phẩm theo chuỗi từ sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ, giống như mô hình của một số HTX đang áp dụng thành công như HTX Chúc Sơn (Hà Nội), HTX Yến Dương (Bắc Kạn)…
Ngoài sự nỗ lực của HTX, vẫn cần sự hỗ trợ về mặt chính sách (tài chính, thuế, vốn…) và truyền thông của các cơ quan ban ngành để giúp HTX thuận lợi và nâng cao nội lực trong đầu tư công nghệ, thực hiện truy xuất nguồn gốc một cách hiệu quả.
Bà Lê Phương Chi, cho biết vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa hiểu rõ được giá trị của việc truy xuất nguồn gốc mà quyết định mua hàng dựa vào giá. Điều này chưa tạo được động lực cho các HTX áp dụng công nghệ, đồng bộ trong thực hiện truy xuất nguồn gốc.