Đề xuất giao HĐND cấp tỉnh phân cấp ngân sách chính quyền địa phương

Chiều 14-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương. Phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, gắn với quyền và trách nhiệm của từng cấp theo phương châm cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm...

Dự thảo Luật bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng mới thực hiện phân chia ngân sách trung ương (70%) và ngân sách địa phương (30%); bổ sung quy định phần 30% thuế giá trị gia tăng sau khi trừ hoàn thuế phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí (dân số, diện tích...) và tính đến các yếu tố đặc thù của từng địa phương.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo 2 nhóm các địa phương tự cân đối và không tự cân đối ngân sách (quy định trước đây là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%).

Dự thảo Luật sửa đổi cũng giao thẩm quyền HĐND cấp tỉnh chủ động thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, về nguyên tắc, Ủy ban Kinh tế - Tài chính cơ bản nhất trí với việc thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến nhận thấy, việc thực hiện phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương có ảnh hưởng lớn tới nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là quy định mới, cần có thời gian đánh giá mức độ phù hợp, khả thi, hiệu quả trong thực tế. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế - Tài chính nhất trí với phương án Chính phủ trình, chỉ quy định việc phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương.

Giao HĐND cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh việc sáp nhập các xã, cần có thời gian để làm rõ quy mô, cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã để bố trí ngân sách và phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền phù hợp trong quản lý điều hành ngân sách.

Về tỷ lệ phân chia, để bảo đảm việc linh hoạt trong điều chỉnh tỷ lệ phân chia giữa các nguồn thu phân chia trong trường hợp có biến động lớn hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi ngân sách nhà nước giữa các địa phương, không phải trình Quốc hội sửa Luật, ông Phan Văn Mãi cho biết đa số ý kiến nhất trí quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia. Qua đó, giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh.

Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: media.quochoi.vn

Cùng ngày, trình bày tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Luật này quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn việc quy định đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; vai trò “thống lĩnh của Chủ tịch nước” trong việc cử lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-xuat-giao-hdnd-cap-tinh-phan-cap-ngan-sach-chinh-quyen-dia-phuong-702221.html