Đảm bảo cung ứng hàng hóa mùa mưa lũ

Với mục tiêu cung ứng kịp thời, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung hàng thiết yếu cho người dân trong mùa mưa bão, Sở Công Thương đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp (DN) chủ động các phương án dự trữ hàng hóa. Đến thời điểm này, toàn bộ hàng hóa thiết yếu đã được dự trữ đầy đủ và sẵn sàng cung ứng kịp thời cho người dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa khi xảy ra thiên tai.

Doanh nghiệp kinh doanh thương mại vận chuyển mặt hàng lương lực thực phẩm bằng xe lưu động đến các cửa hàng, đại lý.

Doanh nghiệp kinh doanh thương mại vận chuyển mặt hàng lương lực thực phẩm bằng xe lưu động đến các cửa hàng, đại lý.

Mạng lưới rộng khắp

Những năm gần đây, hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, mạng lưới bán buôn, bán lẻ đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, hoạt động thương mại đã có chuyển biến tích cực. Các kênh phân phối hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm trao đổi hàng hóa của nhân dân. Trong đó, hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh gồm: 3 trung tâm thương mại, 3 siêu thị đạt tiêu chuẩn hạng III; ngoài ra còn có 15 cửa hàng tiện lợi, 38 cửa hàng chuyên doanh lớn hoạt động theo mô hình siêu thị, đáp ứng yêu cầu tổ chức bố trí hàng theo ngành hàng, nhóm hàng, niêm yết giá để khách hàng lựa chọn; có hệ thống máy thanh toán thuận tiện, giao hàng tại nhà.

Tại 41 chợ truyền thống (3 chợ hạng II và 38 chợ hạng III) thành phần tham gia chủ yếu là các thương nhân, hộ kinh doanh; cơ sở phân phối, sơ chế, bảo quản; các cơ sở cung cấp dịch vụ phục vụ kinh doanh... là nơi tập trung kênh phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân.

Do tỉnh chưa có nhà máy sản xuất, chế biến nông - lâm sản, vì vậy nguồn hàng lương thực, thực phẩm chủ yếu là nhập từ các tỉnh, thành khác (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ...). Bên cạnh chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại; DN kinh doanh hoạt động theo hình thức nhà phân phối, đại lý cũng thường xuyên phân phối hàng hóa tới cửa hàng tạp hóa trên địa bàn toàn tỉnh bằng xe hàng bán lưu động.

Là đơn vị kinh doanh tổng hợp lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, đến nay chuỗi cửa hàng tiện lợi Winmart đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh với 10 cửa hàng. Chuỗi cửa hàng luôn chủ động làm việc với các đối tác để có nguồn hàng hóa dự trữ phong phú, đa dạng và đảm bảo chất lượng. Ngoài dự trữ hàng hóa tại kho riêng, các cửa hàng tại nhiều xã vùng cao như: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng... còn có phương án huy động sự hỗ trợ hàng hóa từ các kho trong cùng hệ thống; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân cũng như các cấp, ngành chức năng yêu cầu.

Đối với các đại lý bán buôn, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng chủ động dữ trữ lượng hàng đảm bảo cung ứng khi cần thiết.

Chị Mai Thị Mùi, hộ kinh doanh phường Điện Biên Phủ cho biết: Là đại lý vừa bán buôn, bán lẻ các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong mùa mưa bão năm nay tôi đã dữ trữ lượng hàng đảm bảo cung ứng cho người tiêu dùng. Chúng tôi cam kết không găm hàng tăng giá; đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Chủ động ứng phó

Chủ động phòng, chống thiên tai, kịp thời cung ứng các mặt hàng thiết yếu mùa mưa bão, Sở Công Thương đã chỉ đạo UBND các xã, phường chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa và giải pháp bình ổn thị trường trong tình huống thiên tai, mưa lũ, gây chia cắt địa bàn. Đặc biệt, chú trọng nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; xây dựng phương án huy động nhân lực và các phương tiện, máy móc, thiết bị, vật tư cần thiết để phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Các đơn vị, DN theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

Đối với mặt hàng xăng dầu, các công ty đã có phương án tổ chức khai thác, dự trữ, đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu xăng dầu của địa bàn bị thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng có khả năng bị chia cắt. Đơn cử như Công ty Xăng dầu Điện Biên, Công ty TNHH Nam Linh Trang và nhiều DN kinh doanh xăng dầu đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ và phương án cung ứng xăng dầu cho toàn hệ thống. Nhất là chú trọng khu vực thường xảy ra sạt lở, tắc đường trong mùa mưa lũ như: Mường Nhé, Nậm Kè, Nà Hỳ, Pa Ham, Tủa Chùa... và khu vực có nhiều công trình trọng điểm đang thi công.

Nhờ chủ động các giải pháp, hiện nay nguồn hàng dự trữ cho mùa mưa bão năm 2025 đã được các DN tập kết tại kho, sẵn sàng cung ứng kịp thời cho vùng bị thiên tai, lũ lụt; vận chuyển hàng hóa khi cần huy động. Đến nay, các DN dự trữ hàng hóa trị giá hơn 32 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu như: 65.000 thùng mỳ ăn liền các loại; 350 tấn gạo; 4.500 thùng nước uống đóng chai; 300m3 xăng E5; 300m3 dầu diezel; 10m3 dầu hỏa; 2.000 tấm tôn lợp; 1 tấn đinh vít; 9 tấn dây thép 2 ly và các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác.

Là tỉnh miền núi, giao thông dễ bị chia cắt trong mùa mưa lũ dẫn đến việc ứng cứu gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các DN kinh doanh thương mại có quy mô nhỏ, tiềm lực yếu. Để dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa lũ kịp thời cho các vùng bị thiên tai, Sở Công Thương đã kiến nghị Trung ương và địa phương có chính sách hỗ trợ cho DN thương mại vay vốn để dự trữ hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa với lãi suất ưu đãi 0%; góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN dự trữ hàng hóa.

Bài, ảnh: Mai Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/dam-bao-cung-ung-hang-hoa-mua-mua-lu--