EU 'siết chặt' phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?
EU đang 'siết chặt' các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ lợi ích sản xuất trong nước. Vậy doanh nghiệp Việt cần chú ý gì?
Thực thi EVFTA hàng Việt bứt tốc tại thị trường EU
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã có sự khởi sắc mạnh mẽ nhờ tác động từ lộ trình cắt giảm thuế quan trong Hiệp định EVFTA bắt đầu phát huy hiệu quả sau 5 năm thực hiện.
Thực thi EVFTA được đánh giá là cơ hội gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa cùng loại của các nước trong khu vực châu Á đặc biệt về giá tại thị trường quan trọng này. Từ năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản dệt may, giày dép được hưởng ưu đãi thuế quan nên nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế so với các nước trong khu vực, có thể mở rộng vào thị trường EU như: Gạo, tôm, hạt điều, trái cây, sản phẩm chế biến từ gạo, trái cây, rau củ quả…

Doanh nghiệp được khuyến nghị cần trang bị đầy đủ kiến thức về quy định thương mại của EU để thích ứng hiệu quả trước các biện pháp phòng vệ thơng mại. Ảnh: Hòa Phát
Ngoài ra, xu hướng có nhiều doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu (Hà Lan, Bỉ, Pháp, Anh Ba Lan…) đó là tham gia nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam sang phân phối tại châu Âu thay vì thông qua đối tác nhập khẩu người Hoa và châu Âu. Đồng thời, tạo ra hệ sinh thái mới liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, kết nối, phân phối tại hệ thống cửa hàng châu Á, các chuỗi nhà hàng châu Á tại EU và bước đầu thâm nhập đưa vào phân phối tại các hệ thống siêu thị EU.
Tuy vậy, dù mở rộng cơ hội, thị trường EU lại đang ngày càng siết chặt hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, các cam kết về quy tắc xuất xứ của EU rất chặt chẽ, thông thường các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam).
Thách thức từ EU gia tăng điều tra lẩn tránh thuế
Đặc biệt, trong bối cảnh các rào cản thuế quan dần bị gỡ bỏ, EU có xu hướng tăng cường sử dụng công cụ phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, và tự vệ như một “lá chắn” mới để bảo vệ ngành sản xuất nội địa.
Đáng chú ý, theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, trong bối cảnh căng thẳng thuế quan trên toàn cầu, EU dự kiến sẽ tiếp tục các nỗ lực chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, tập trung vào việc đảm bảo hiệu quả của các biện pháp thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp…
Các cuộc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của EU dựa trên các quy định cụ thể trong Quy định cơ bản. Các quy định này cung cấp cơ sở pháp lý để khởi xướng các cuộc điều tra, gia hạn các biện pháp và xác định hướng hành động phù hợp trong các trường hợp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hiện có, chẳng hạn như các biện pháp chống bán phá giá và điều tra chống trợ cấp để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu sẽ điều tra xem liệu các hoạt động như chuyển đổi sản xuất hoặc sửa đổi hàng hóa ở mức độ nhỏ, có được sử dụng để lẩn tránh thuế chống bán phá giá hay thuế chống trợ cấp hiện hành hay không. Điều này có thể liên quan đến việc xem xét các mô hình thương mại, quy trình sản xuất và đặc điểm của hàng hóa nhập khẩu để xác định xem có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hay không.
Các cuộc điều tra giúp EU chủ động ngăn chặn các các hoạt động trốn thuế bằng cách mở rộng các biện pháp sang các nước thứ ba và các hàng hóa liên quan hoặc nghi ngờ là chỉ có chỉnh sửa nhỏ so với hàng hóa thuộc diện bị áp thuế.
EU gần đây đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và mở rộng các biện pháp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các hàng hóa nông nghiệp, hóa chất và đặc biệt là hàng chế biến, chế tạo. Thống kê của EU cho thấy khoảng 9% tổng số vụ điều tra mới trong giai đoạn 2015-2024 là điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Chủ động nâng cao năng lực sản xuất theo hướng bền vững
Theo Cục Phòng vệ thương mại, EU dự kiến sẽ tiếp tục những nỗ lực trên, theo dõi các mô hình thương mại và tích cực điều tra mọi trường hợp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Các nỗ lực chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của EU trong năm 2025 tập trung vào: Theo dõi số liệu, hiện tượng, phát hiện và điều tra các trường hợp công ty hoặc hàng hóa trốn thuế chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại khác.
Trước tình hình này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ kiến thức về quy định thương mại của EU, chủ động nâng cao năng lực sản xuất theo hướng bền vững, minh bạch hóa nguồn gốc nguyên liệu. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi cảnh báo thương mại, hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý nếu không may bị khởi kiện điều tra.
Các hiệp hội ngành hàng cũng đóng vai trò then chốt, không chỉ làm “cầu nối” giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý mà còn là tiếng nói đại diện trong các vụ việc quốc tế. Việc cập nhật thông tin, cảnh báo rủi ro, tổ chức các chương trình đào tạo pháp lý và kỹ thuật, hỗ trợ hồ sơ… là những nhiệm vụ cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, để tận dụng hiệu quả EVFTA và duy trì vị thế cạnh tranh tại EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng nêu khuyến nghị cần xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư của Việt Nam cần bắt kịp xu hướng chính sách thương mại của EU, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, rà soát và hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, bền vững… phù hợp và tham chiếu các tiêu chuẩn EU. Cùng với đó xây dựng hai liên minh lớn giữa các nhà xuất khẩu trái cây và thủy sản để xây dựng chuỗi cung ứng và kênh phân phối ổn định ở thị trường EU theo kênh siêu thị thực phẩm tại EU. Đồng thời, cần thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cà phê, tiêu, điều, tôm, cá tra xuất khẩu vào EU.
Đến nay, EU đã khởi xướng điều tra và áp dụng 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.