Đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thương mại điện tử
Nghị định 52/CP sửa đổi hướng đến đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP hướng đến hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về thương mại điện tử để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử là hoạt động thương mại hiện đại có tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ góp phần hướng đến phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại hội thảo: Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/11, tại Hà Nội.
Thương mại điện tử đạt nhiều bước tiến vượt bậc
Theo đại diện Bộ Công Thương, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử là văn bản trực tiếp điều chỉnh các hành vi kinh doanh trên môi trường điện tử.
Sau 7 năm thực hiện Nghị định, cùng với sự phát triển và lan tỏa của công nghệ số, thương mại điện tử Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần tạo ra diện mạo và phương thức vận hành mới cho thương mại nói chung và nền kinh tế số nói riêng.
Hiện nay, Việt Nam có trên 59,4 triệu người dùng internet, chiếm 66% dân số, vượt mức trung bình của thế giới là 60%, trong đó khoảng 44,8 triệu dân đã từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm.
Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử bán lẻ cũng tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Đại diện phòng chính sách, Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, hoạt động thương mại điện tử ngày càng đa dạng, không chỉ trên máy tính, mà còn trên các thiết bị hiện đại khác như điện thoại thông minh, máy tính bảng và không chỉ diễn ra trên các website Thương mại điện tử, mà còn qua các ứng dụng trên nền tảng di động.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra trên khắp thế giới và có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của người dân, thương mại điện tử đã thể hiện vai trò ưu việt trong việc duy trì vận hành chuỗi sản xuất, kinh doanh, phân phối bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
Để có kết quả nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng có sự đóng góp rất lớn của khuôn khổ pháp lý về Thương mại điện tử được hình thành từ khá sớm và mang tính đón đầu.
Trong đó, nổi bật là Nghị định 52/CP với vai trò là văn bản mang tính định hướng, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, với bản chất của thương mại điện tử là hoạt động thương mại ứng dụng các thành tựu công nghệ số, lĩnh vực thương mại điện tử cũng đang chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng.
Nhiều mô hình thương mại điện tử mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động và chủ thể tham gia, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch thương mại điện tử phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh… thì các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội…
Chính vì vậy, ông Hưng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung thêm một số điều của Nghị định 52/CP là hết sức cần thiết.
Hướng tới cạnh tranh bình đẳng
Đồng tình với việc sửa đổi bổ sung Nghị định 52/CP theo hướng hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, các hoạt động giao dịch, mua bán diễn ra trên thương mại điện tử ngày càng đa dạng và phát triển, tạo thuận lợi cho cả bên mua và bên bán.
Song bên cạnh những thuận lợi cũng nảy sinh nhiều hoạt động buôn bán, kinh doanh bất hợp pháp trên kênh mua bán này.
Chỉ tính trong năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 2.403 vụ thì phát hiện tới 2.213 vụ (chiếm 92%) có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trên thương mại điện tử, tức là “kiểm tra đâu sai phạm đó”.
“Trách nhiệm minh bạch hóa của người bán hàng là vô cùng quan trọng. Song việc chống hàng giả đặc biệt trên mạng nếu không có cách nào để kiểm soát được truy suất xuất xứ hàng hóa sẽ rất khó,” ông Nguyễn Kỳ Minh góp ý thêm.
Về phía Hiệp hội doanh nghiệp Thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch hiệp hội đề xuất, việc sửa đổi Nghị định 52/CP cần tạo thuận lợi thỏa đáng cho doanh nghiệp để những doanh nghiệp tiên phong đầu tư dám nghĩ, dám làm qua đó mới có bước tiến phát triển thương mại điện tử.
Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định này cần hướng tới tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động giao dịch trên môi trường Thương mại điện tử.
Với tầm quan trọng của lĩnh vực này và để hoàn thiện các chính sách về Thương mại điện tử, ngày 7/10/2020, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/CP về thương mại điện tử.
Trong đó, Nghị quyết đã thông qua 4 chính sách lớn, là những bổ sung mới so với Nghị định 52 trước đó như: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động Thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Quản lý hoạt động Thương mại điện tử trên mạng xã hội và Quản lý hoạt động Thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đưa ra, đồng thời hoàn thiện dự thảo một cách tốt nhất.
“Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP cũng sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 52 hướng đến đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động thương mại điện tử; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử và không để thương mại điện tử bị lợi dụng trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật,” Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh thêm./.