Đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho dịp trước, trong và sau Tết
Trước diễn biến phức tạp của một số loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) tại nhiều tỉnh, thành phố, tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tăng cường giám sát và đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ, trang trại chăn nuôi áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tránh lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Những ngày này, khi nền nhiệt độ xuống thấp, có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, gia đình anh Nguyễn Văn Phi, tổ dân phố Suối Đùm, thị trấn Đại Đình (Tam Đảo) kéo dài thời gian thắp đèn sưởi ấm, bổ sung thêm chất dinh dưỡng vào khẩu phần ăn cho hơn 1,4 vạn con gà thịt để đảm bảo an toàn, xuất bán với giá cao.
Để chủ động phòng, chống đói rét và bảo vệ sức khỏe cho đàn GSGC tại địa phương khi mùa Đông năm nay dự báo có nhiều đợt lạnh sâu, công tác tuyên truyền, tiêm phòng vắc xin và phun khử khuẩn môi trường chăn nuôi được chính quyền xã Tam Quan (Tam Đảo) chú trọng.
Anh Trần Văn Điệp, cán bộ chăn nuôi, thú y xã Tam Quan cho biết, kết thúc đợt II, tỷ lệ tiêm phòng GSGC của địa phương đạt trên 80%. Sau đợt cao điểm tiêm phòng này, các hộ tiếp tục tổ chức tiêm bổ sung cho đàn GSGC mới nuôi, mới lớn, chưa được tiêm phòng vào các đợt chính trong năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 1.452 ổ dịch Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn 1.103 xã của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, buộc tiêu hủy trên 81.030 con lợn, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023; xảy ra 14 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại 9 tỉnh, thành, làm gần 100 nghìn con gia cầm mắc bệnh, bị chết và bị tiêu hủy (tăng 2,64 lần so với cùng kỳ năm 2023), có 2 ổ dịch CGC A/H5N1 trên động vật hoang dã (hổ, báo) nuôi nhốt tại các tỉnh Long An và Đồng Nai.
Tình hình dịch bệnh CGC trong năm 2024 trên người gia tăng. Cụ thể, theo báo cáo của ngành Y tế đã có 1 người bị nhiễm và chết do Cúm A/H5N1 tại tỉnh Khánh Hòa và 1 người mắc Cúm lợn chủng H1N1 tại tỉnh Sơn La.
Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay không phát hiện lợn mắc bệnh DTLCP. Riêng bệnh CGC xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc phường Hội Hợp (Vĩnh Yên).
Thời gian qua, ngành NN& PTNT tập trung chỉ đạo tuyên truyền các quy định của pháp luật về chăn nuôi và hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh đúng kỹ thuật và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn GSGC.
Hiện nay, đàn GSGC của tỉnh phát triển ổn định. Trong năm 2024, các sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, sữa bò tươi, trứng gia cầm tăng khá, trong đó thịt lợn tăng 8,25%, sữa tươi tăng 2,81% và trứng gia cầm tăng 10,16% so với năm 2023.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025 có nền nhiệt thấp hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm từ 0,5 độ C.
Thực hiện Chỉ thị số 41 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, các loại dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi; đặc biệt là ngăn chặn có hiệu quả, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn phục vụ cho tiêu dùng trong thời gian tới, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố tích cực phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với đơn vị chuyên môn cấp huyện, chính quyền cơ sở thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng; sử dụng vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn GSGC.
Khi thấy GSGC có hiện tượng ốm, chết với các triệu chứng nghi mắc bệnh truyền nhiễm cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở để tiến hành kiểm tra, lấy mẫu và xử lý ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra.
Với tổng đàn GSGC lớn, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh cung ứng ra thị trường khoảng 133 nghìn tấn thịt GSGC các loại, hơn 750 triệu quả trứng và 60 triệu lít sữa.
Do vậy, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh GSGC và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn sẽ góp phần quan trọng bảo vệ sản xuất chăn nuôi của tỉnh, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân dịp cuối năm.