Đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, hài hòa lợi ích các bên
Sáng 18/8/2023, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã điều hành cuộc họp lần thứ tư của Tổ Công tác.
Thông tin thị trường ngày càng minh bạch
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính cho biết, trong giai đoạn từ 2017-2022, thị trường TPDN phát triển mạnh, góp phần từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng theo chủ trương và định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, hình thành nên kênh huy động vốn trung và dài hạn cho DN.
Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường tăng trưởng nóng, phát sinh một số rủi ro từ cả DN phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư cá nhân. Năm 2022, thị trường TPDN biến động mạnh do những vụ việc vi phạm pháp luật, đồng thời kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, lãi suất tăng, có thời điểm thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để ổn định thị trường, bao gồm: Triển khai đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành hợp lý chính sách tài khóa; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; tháo gỡ khó khăn cho DN…
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, với việc triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kể từ quý II/2023, tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tạo điều kiện cho việc cải thiện tháo gỡ áp lực thanh khoản về lâu dài.
Đặc biệt, thông tin thị trường ngày càng minh bạch hơn với việc yêu cầu công bố thông tin tập trung trên hệ thống chuyên trang thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đối với cả DN phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu. Cùng với đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho hoạt động của thị trường TPDN từng bước được ban hành đồng bộ từ luật, nghị định đến thông tư.
Về tình hình phát hành, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ từ đầu năm đến ngày 28/7/2023 là 62,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là của DN bất động sản, trong đó có khoảng 60,5% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo.
Việc phát triển thị trường TPDN đã và đang theo đúng định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng; giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu Chính phủ và TPDN. Theo đó, các DN đã bước đầu tăng huy động vốn từ phát hành trái phiếu, giảm sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Các nhà đầu tư có thêm sản phẩm đầu tư trên thị trường vốn…
Chỉ ra một số nguyên nhân thị trường dù đã ổn định trở lại nhưng chưa phục hồi, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết là do tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; kinh tế trong nước khó khăn nên nhu cầu vốn của DN giảm; các nhà đầu tư cá nhân thận trọng…
Đảm bảo sự ổn định của thị trường, hài hòa lợi ích các chủ thể tham gia
Phát biểu kết luận cuộc họp, về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý đến vấn đề pháp lý. Theo Bộ trưởng, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý từ cấp Luật và tái cấu trúc thị trường TPDN; Tiếp tục rà soát tổng thể, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan (Luật Chứng khoán, Luật DN).
Trước dự báo còn nhiều thách thức đối với thị trường TPDN, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước bao gồm Luật DN, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn về phát hành TPDN riêng lẻ.
Cùng với đó, Bộ trưởng khẳng định, Nhà nước tạo cơ chế xử lý bằng biện pháp kinh tế, tuân thủ quy luật thị trường theo quy định của pháp luật hiện hành và khuyến khích DN và nhà đầu tư thỏa thuận phương án thanh toán trái phiếu trong trường hợp DN không thể thanh toán đúng hạn, đảm bảo an ninh trật tự trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. DN có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu, theo đó DN có trách nhiệm đến cùng với các trái phiếu đã phát hành. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, phải ngay lập tức điều tra, xác minh và xử lý để răn đe, chấn chỉnh, đảm bảo sự an toàn của thị trường.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các DN, các bên tham gia vào thị trường để đảm bảo quản lý, vận hành thị trường phát triển ổn định, tuân thủ quy luật thị trường theo đúng pháp luật hiện hành, hài hòa lợi ích các chủ thể tham gia.
Liên quan đến các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ rõ, tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư để duy trì tăng trưởng; Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế; Triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng đối với các DN đủ điều kiện bên cạnh kênh phát hành riêng lẻ để đa dạng hóa nhà đầu tư.
Ngoài ra, cần tập trung triển khai một số giải pháp khác như: Tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; Tiếp tục theo dõi việc thanh toán TPDN đến hạn; Đa dạng hình thức tuyên truyền về định hướng phát triển của Nhà nước, ổn định tâm lý thị trường, phổ biến chính sách, pháp luật với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân…
Đa số các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều đồng tình với nội dung dự thảo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thị trường TPDN cũng như kiến nghị và giải pháp tiếp tục ổn định thị trường. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới.