Đảm bảo tương thích với các cam kết quốc tế đã tham gia khi sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người

Đại biểu Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An đề nghị rà soát đảm bảo Luật Phòng, chống mua bán người khi sửa đổi tương thích với các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Nguyễn Thu

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Nguyễn Thu

Ngày 8/6, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Cùng thảo luận tại Tổ 3 có các ĐBQH đoàn Bắc Kạn và Quảng Ngãi. Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ĐBQH đoàn Nghệ An; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH đoàn Quảng Ngãi.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.

Liên quan đến dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An trao đổi tầm quan trọng của việc nội luật hóa các cam kết của Việt Nam đối với các công ước quốc tế đã tham gia, trong đó có Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Nghị định thư Palermo).

Theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, một trong những chính sách quan trọng nhất dự thảo luật lần này là việc đưa ra khái niệm mua bán người trong dự thảo luật mới.

Đại biểu Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

“Chúng ta đặc biệt lưu ý tính tương thích của việc nêu khái niệm trong dự thảo so với các cam kết quốc tế đã tham gia”, đại biểu Phạm Phú Bình nhấn mạnh và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để đảm bảo tính tương thích hoàn toàn giữa khái niệm “mua bán người” trong dự thảo luật và Nghị định thư Palermo.

Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nên rà soát kỹ thêm các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia để đảm bảo tính tương thích luật khi được ban hành.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Phú Bình cũng nêu băn khoăn và đề nghị rà soát các quy định về đối tượng buôn bán người, khái niệm nạn nhân, chính sách hỗ trợ nạn nhân và đề nghị rà soát, cân nhắc bảo đảm quy định phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và thực tiễn hoạt động mua bán người hiện nay.

Về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An nhất trí cao sự cần thiết ban hành luật này; đồng thời thảo luận một số nội dung để cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Ủng hộ dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đã xây dựng theo hướng chuyển hóa từ giai đoạn bắt đầu điều tra, chứ không phải chỉ hoạt động xét xử; tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Đức Thuận, cần tiếp tục rà soát lại để đảm bảo quyền cho người chưa thành niên liên quan đến hình sự; cũng như tránh chồng chéo, vướng mắc với Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Đặc biệt, vị đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ băn khoăn vì theo thống kê của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm liên quan đến trẻ vị thành niên của nước ta có xu hướng tăng. Qua đó, ông đề nghị cần rà soát, đánh giá tác động và xây dựng luật đảm bảo có chính sách phù hợp, đảm bảo tính nhân văn với người vị thành niên phạm tội, song cũng không tác động tiêu cực đối với tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm vị thành niên có tính chất manh động.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đang soạn thảo theo hướng tách vị thành niên trong các vụ án hình sự có đồng phạm ra xét xử vụ án riêng. Đánh giá quy định này nhằm mục đích bảo vệ quyền cho vị thành niên tốt hơn, song Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng đề nghị cần phải đánh giá tác động để luật hóa cho hợp lý, vì số lượng án sẽ tăng lên, tạo áp lực cho công tác xét xử.

Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cần rà soát để có quy định cụ thể hơn theo từng độ tuổi cụ thể đối với các đối tượng vị thành niên.

Trước đó, sau khi nghe Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Thành Duy - Nguyễn Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/dam-bao-tuong-thich-voi-cac-cam-ket-quoc-te-da-tham-gia-khi-sua-doi-luat-phong-chong-mua-ban-nguoi-10273702.html